* Phóng viên: Cảm nhận sâu sắc nhất của Thứ trưởng về tình yêu quê hương, đất nước của bà con kiều bào?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng
- Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Trên cương vị của mình, tôi có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với nhiều kiều bào. Mỗi dịp đó, tôi đều cảm nhận được niềm tự hào, tình yêu và khát khao chung tay đóng góp xây dựng quê hương, đất nước của bà con. Đó có thể là những đóng góp trực tiếp hay gián tiếp, như: nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội, qua đó quảng bá giá trị, tinh thần Việt đến người dân sở tại và bạn bè quốc tế; tâm huyết giữ gìn truyền thống dân tộc, văn hóa và tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào… Những tình cảm, đóng góp đó dù được nhiều người biết tới hay thầm lặng đều vô cùng quý báu và đáng trân trọng.
Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động dành cho các nhóm kiều bào khác nhau. Một trong những hoạt động để lại nhiều ấn tượng cho kiều bào nhất có thể kể đến là các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Được trực tiếp đến thăm chiến sĩ và người dân đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều kiều bào đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc. Kể cả những người trước đây có định kiến cũng đã thay đổi nhận thức và hành động, công khai ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trở thành những sứ giả lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Sau những chuyến đi, kiều bào nhiều nước đã thành lập các quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, Câu lạc bộ Trường Sa, tổ chức hội thảo về biển Đông…, góp phần truyền tải thông tin đúng đắn tới cộng đồng quốc tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
* Thứ trưởng đánh giá thế nào về tầm quan trọng của nguồn lực kiều bào trong sự phát triển đất nước?
- Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với khoảng 6 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nguồn lực của cộng đồng kiều bào phong phú, dồi dào và có giá trị lâu dài, thể hiện qua việc đóng góp đối với các mặt phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực kinh tế, đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI về nước với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD; lượng kiều hối gửi về trong 30 năm qua (1993-2023) đạt trên 230 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI giải ngân trong cùng thời gian. Các dự án đầu tư của kiều bào tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, thực sự góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, lực lượng doanh nhân kiều bào còn có vai trò quan trọng trong việc hiến kế, tư vấn phát triển, hỗ trợ nắm bắt thông tin thị trường sở tại, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Trong lĩnh vực tri thức, số kiều bào có trình độ đại học trở lên khoảng 600.000 người. Trong đó, nhiều người là nhà khoa học, chuyên gia thành danh trong các lĩnh vực mũi nhọn, được nước sở tại trọng dụng. Những năm gần đây, cùng với hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với cộng đồng trí thức, chuyên gia kiều bào do các cơ quan chức năng trong nước tổ chức, nguồn lực chất xám của kiều bào càng được phát huy mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào đã trực tiếp tham gia quá trình tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước về năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Cùng với nhu cầu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kiều bào còn là nguồn lực "mềm" quan trọng, đóng vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam đến với nước sở tại và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, mở rộng ảnh hưởng chính trị, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với người dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Tôi thật sự tự hào, trân trọng khi chứng kiến kiều bào đạt được nhiều thành công, hội nhập sâu và khẳng định được vị thế trong xã hội sở tại, đồng thời có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu tham dự “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II: Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Kyushu” tại Nhật Bản. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
* Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về khát vọng đóng góp cho quê hương của trí thức kiều bào?
- Tình yêu quê hương là điều giản dị, gần gũi; là nhu cầu, khát khao tự nhiên, chính đáng và luôn chảy trong huyết mạch của mỗi con người Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trí thức kiều bào nói riêng dù ở đâu, làm lĩnh vực gì, từ trong sâu thẳm trái tim luôn mong muốn được đóng góp cho quê hương. Đó có thể là kiến nghị về xây dựng chính sách, tư vấn đường lối phát triển hay những hoạt động hết sức cụ thể, như: thành lập các trung tâm nghiên cứu, chương trình đào tạo đại học chất lượng cao, doanh nghiệp khoa học - công nghệ tại Việt Nam; vận động các trường đại học, cơ sở nghiên cứu nơi mình công tác cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam…
Ngoài việc trực tiếp về nước tư vấn, đóng góp ý kiến, trí thức kiều bào còn phát huy tinh thần "ở đâu cũng có thể đóng góp cho quê hương". Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng hiện nay, các cơ chế, hình thức để trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước cũng được mở rộng, đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, trí thức kiều bào cũng tăng cường sự kết nối thông qua việc thành lập các hội, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, không chỉ trong phạm vi một nước mà còn ở cấp độ khu vực, toàn cầu, kết nối với những mạng lưới trí thức trong nước. Trong đó, tiêu biểu là Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam và các hội trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở các nước.
* Có thể thấy nguồn lực, việc đồng hành của kiều bào đối với sự phát triển đất nước là vô cùng quan trọng. Vậy thời gian tới, cần làm gì để phát huy điều này một cách hiệu quả nhất, thưa Thứ trưởng?
- Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài. Trong 20 năm qua, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định…, tất cả đều hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho kiều bào về nước sinh sống, đầu tư, kinh doanh và hợp tác khoa học - công nghệ.
Để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian tới, cần tập trung vào một số biện pháp cụ thể, như: tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan kiều bào. Nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào về nước; cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ phù hợp. Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở khâu thực thi, triển khai tại địa phương. Thường xuyên thông tin cho kiều bào về chủ trương, chính sách, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường những hoạt động kết nối, hỗ trợ các hội trí thức, doanh nhân kiều bào; có hình thức tôn vinh phù hợp với những đóng góp của doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tích cực hỗ trợ những sáng kiến của kiều bào liên quan lĩnh vực khoa học - công nghệ.
"Tôi nhớ mãi cuộc gặp TS Nguyễn Duy Hà, giáo sư Đại học Bách khoa Vienna - đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Áo và là 1 trong 7 đơn vị nghiên cứu vật lý lượng tử nhiệt độ thấp hàng đầu châu Âu. Ông khẳng định sẽ mang những phát minh, sáng chế của mình về nước, phục vụ sự phát triển ngành vật lý quê nhà" - Thứ trưởng LÊ THỊ THU HẰNG
Khó đo đếm được
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, ngoài kiều hối, trong đại dịch COVID-19, kiều bào đã quyên góp ủng hộ quê nhà khoảng 80 tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế. Năm 2020, người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất hàng chục tỉ đồng...
"Việc thống kê chỉ dừng lại ở những con số, còn nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp của bà con kiều bào dành cho quê hương, đất nước khó có thể đo đếm được. Điều này một lần nữa khẳng định dù có đi đâu, làm gì thì người Việt Nam vẫn luôn nhớ đến và hướng về quê hương" - Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng xúc động.
Theo Người Lao Động