Người hâm mộ xuống đường cổ vũ cho U.23 Việt Nam ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Là một giáo viên văn, tôi nổi bệnh nghề nghiệp: Câu đầu có tên Tổ quốc. Câu sau xưng “anh” gọi “em” là sao? Liên kết câu gì kỳ vậy? Mất vài giây thổn thức, cô bạn mới trần tình. Thì ra anh chàng coi trận Việt Nam - Qatar. Trong xúc động, anh ta về ôm vợ ca ngợi U.23 Việt Nam, “tiện thể” xin lỗi vợ về chuyện đã về khuya còn to tiếng hôm trước. Và dĩ nhiên là cô vợ... tan chảy ngay. Tôi nói nếu là anh, anh cũng sẽ như thế. Lấy bóng đá để... xin lỗi vợ là một... chiến thuật mà chỉ có tín đồ túc cầu giáo mới thể hiện được.
Ôi bóng đá! Từ bao giờ người đã đi vào mỗi gia đình để lăn tròn những cảm xúc ngây ngất yêu thương?
Nhớ buổi chiều Việt Nam thắng nghẹt thở Qatar, lũ nhóc xóm mình có màn ăn mừng mà theo tôi là độc nhất vô nhị xét trên phạm vi... toàn cầu. Các em vẽ con heo thật to trên giấy rô ky. Giữa cái bụng heo bự chảng là chữ “Sang” thật to. Các em giương “biểu ngữ” ấy tuần hành khắp làng. Tôi hỏi. Các em giải thích: Con heo với chữ “Sang” là... heo sang. Mà “heo sang” là... Hang Seo! Rồi chúng hô đến khản giọng: “Việt Nam số một! Bác Park Hang-seo số một”.
Ôi bóng đá! Từ khi nào người đã khiến cho những đứa trẻ chưa qua tiểu học xóm tôi có cách ca ngợi đoàn chiến binh quả cảm, can trường U.23 Việt Nam và vị huấn luyện viên “phù thủy” bằng hình thức vừa tinh quái vừa trọn đầy cảm xúc như thế?
Và chiều nay, một chiều đông “lịch sử”, trước giờ chung kết giữa Việt Nam và Uzbekistan, tôi nghe tôi, nghe bạn, nghe chị, nghe anh, nghe trong tim mỗi người rần rật chảy một dòng máu bóng đá đến căng trào. Tôi thật sự hạnh phúc đến ngân ngấn nước mắt khi mấy ông cụ xóm tôi rủ nhau làm gà, nhâm nhi vài ly rượu gạo để coi trận cầu mà họ gọi là “kinh điển”. Một bà cụ bật mí: Nói vậy chớ mấy ổng sức còn mấy hột, trói gà không chặt, sức đâu làm gà. Mấy ổng “bắt” mấy con dâu làm giùm đó. Tội! Mấy đứa rất vui vẻ làm gà, hứa sẽ luộc thật nhanh rồi lên mâm lên bát cho cha cho chú để còn… đi coi bóng đá với chồng ở một nhà khác.
Theo TRẦN CAO DUYÊN (Thanh Niên)