Dự thảo luật gồm 12 chương, 116 điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại biểu thống nhất tên gọi của dự thảo luật (hiện hành là Luật Khoáng sản 2010); không bổ sung dầu khí vào phạm vi của chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; đề nghị nghiên cứu cân nhắc quy định theo hướng tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá (hoặc đấu thầu). Việc loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá…
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), với sự tham dự của đại diện một số phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới (trong tổng số 81 điều) của Luật Công chứng năm 2014. Đại biểu tập trung thảo luận về quy định độ tuổi công chứng viên; việc đăng ký thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng, việc hợp danh trong văn phòng công chứng để hạn chế tình trạng hợp danh hình thức, gây sự mất ổn định trong hoạt động hành nghề công chứng.
Đồng thời, đề nghị bỏ quy định “cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng”, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên; xem xét lại chủ trương chuyển nhượng, bán văn phòng công chứng…
GIA KHÁNH