Lê Chánh làm gì để phát huy tiềm năng?

03/03/2022 - 03:39

 - Lê Chánh là xã thuần nông của TX. Tân Châu (tỉnh An Giang), kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, có diện tích tự nhiên 1.508ha; trong đó diện tích nông nghiệp 1.348ha. Việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã luôn được chú trọng.

Tiềm năng, thế mạnh

Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp địa phương đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trồng và nuôi các loại vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt. Để làm được việc đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, đẩy mạnh liên kết, liên doanh để sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng. Ngoài cây lúa, diện tích trồng cây ăn trái, rau màu được đầu tư, mở rộng. Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt 3.963ha (đạt 100% kế hoạch đề ra), trong đó, diện tích trồng lúa là 1.265ha; màu 37ha; cây ăn trái 44ha.

Trên lĩnh vực trồng trọt, xã chuyển đổi giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Đi đôi với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới để hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp, đời sống người làm nông ngày càng tốt hơn.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương

“Tiềm năng, thế mạnh của địa phương được chúng tôi xác định là đất đai, con người, khả năng sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, điều kiện giao thông thuận tiện. Nông dân ở địa phương có trình độ sản xuất cao, rất chịu thương, chịu khó. Tính đến thời điểm này, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Vì vậy, phát huy tiềm năng thế mạnh trên lĩnh vực này, địa phương đã đẩy mạnh vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ dễ dàng…” - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Chánh Nguyễn Văn Tiền chia sẻ.

Chuyển đổi đồng bộ

Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh, xã đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động nông dân trồng lúa chất lượng cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Tiền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ làm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, mà còn tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Để làm được việc này, đòi hỏi sự vào cuộc nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực, sáng tạo của hàng vạn hộ nông dân. Tiếp tục thay đổi tư duy, lấy hiệu quả sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường, tiến tới người sản xuất phải biết sản phẩm làm ra tiêu thụ như thế nào, ở đâu, ai đứng ra tiêu thụ, số lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào, giá cả ra sao, từ đó mới tiến hành sản xuất (sản xuất theo chuỗi liên kết).

Tổ chức liên kết trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hóa, liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, liên kết nông dân với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao. Hình thành tổ hợp tác cùng sản xuất, tiêu thụ một loại nông sản.

Cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, tăng cường hỗ trợ điểm sơ chế, chế biến, sấy khô sản phẩm, gia công... để nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng hàng chế biến bằng công nghệ mới. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với sâu bệnh để bổ sung kịp thời vào cơ cấu luân canh nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản bằng cơ chế, chính sách phù hợp.

“Chúng tôi kiến nghị, UBND TX. Tân Châu nghiên cứu xem xét cho chủ trương khép kín vùng đê bao Nam Vĩnh An, trong đó có 3 xã Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong để nông dân có điều kiện tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, theo nhu cầu của thị trường. Thực tế hiện nay, với phương châm “3 năm, 8 vụ”, cây trồng trên vùng đất này chiếm phần lớn vẫn là cây lúa. Các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao thì nông dân vẫn hạn chế trồng. Chính từ đó, địa phương kiến nghị nghiên cứu cho khép kín vùng đê bao này lâu dài...” - ông Nguyễn Văn Tiền chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN - NGUYỄN NAM