Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian

12/09/2022 - 07:57

Được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) từ lâu đã trở thành hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của vùng quê sông nước, thu hút hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài nước tham gia.

Bảo tồn nguyên trạng

Theo một số nhà nghiên cứu, cách đây khoảng 700 năm, người dân Lệ Thủy đã tổ chức đua thuyền để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Trước đây, lễ hội thường tổ chức vào mùa xuân và tháng bảy âm lịch trong năm. Kể từ năm 1946, lễ hội được huyện Lệ Thủy tổ chức vào dịp 2-9 để mừng Tết Độc lập và duy trì cho đến tận ngày nay.

Với người dân Lệ Thủy, Tết Độc lập 2-9 là tết lớn nhất trong năm. Đây là dịp để gia đình, anh em, bè bạn sum vầy, gặp mặt; để được hòa vào dòng sông quê hương, thỏa sức đắm chìm trong không khí sôi động, đặc sắc của lễ hội. Chính vì vậy, cứ đến dịp Quốc khánh, hàng vạn con em Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc lại trở về quê hương.

 Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2022 thu hút gần 800 vận động viên nam, nữ tham gia. Ảnh: QUANG NGỌC.

Theo TS Nguyễn Khắc Thái, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang mang bản sắc độc đáo, riêng có của vùng quê sông nước. Vật liệu dùng đóng thuyền đua được lựa chọn từ những loại gỗ tốt, thớ dọc. Người dân Lệ Thủy xem thuyền đua, đò bơi là vật linh thiêng, chỉ sử dụng trong lễ hội, đua xong lại đưa về đình làng để đó đến lễ hội năm sau hạ thủy đua tiếp chứ không đem ra làm phương tiện lao động như những vùng quê khác. Việc tuyển chọn trai bơi, nữ đua, tổ chức luyện tập được các làng, xã tổ chức rất chặt chẽ, chu đáo. Số lượng vận động viên, các vị trí trên từng thuyền đua như: Đốc lái, cai lái, chèo phách, đốc mũi, gõ mõ, tát nước... cũng mang nét riêng chỉ có ở vùng quê Lệ Thủy.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến khán giả tham gia cổ vũ cho các thuyền đua, đò bơi. Tờ mờ sáng, từ người già đến phụ nữ, trẻ nhỏ, ai cũng tạm gác công việc để ra tận bờ sông tìm cho mình một vị trí đẹp nhất, dễ quan sát nhất. Phong cách cổ vũ, động viên ở vùng quê này cũng thật khác lạ. Trên đường, từng đoàn người chạy theo các thuyền đua, đò bơi; dọc hai bên bờ sông, hàng vạn người reo hò, cổ vũ; sử dụng nhiều vật dụng như mũ, nón, soong, chậu để tiếp sức, tiếp nước cho các trai bơi, gái đua dồn hết sức lực vung chầm bứt tốc để về đích... cảm giác như đất trời, sông nước, lòng người hòa quyện trong không gian văn hóa rất linh thiêng mà thấm đẫm ân tình. “Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn nguyên trạng nhất, bền vững nhất. Tất cả đều toát lên niềm vui rạng rỡ vì đó là văn hóa làng, mang đậm tính cố kết cộng đồng”, TS Nguyễn Khắc Thái cho biết.

Nâng tầm lễ hội

Khởi đầu từ hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc cư dân lúa nước, cầu mưa thuận gió hòa, thể hiện tinh thần thượng võ; trải qua hàng trăm năm, lễ hội đã trở thành hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, gắn liền với Tết Độc lập. Năm 2019, Lễ hội được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chính vì vậy, việc duy trì, nâng tầm giá trị lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời là dịp để quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người ở vùng quê nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng.

Ngoài lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang thì “Hò khoan Lệ Thủy” cũng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017. Đây chính là sự vinh danh xứng đáng cho những giá trị văn hóa tinh thần to lớn, thể hiện nét đẹp độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc tự bao đời của người dân Lệ Thủy. Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị chia sẻ: "Để quảng bá rộng rãi lễ hội độc đáo này, bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần quy hoạch, mở rộng một số đoạn hai bên bờ sông Kiến Giang để có thêm không gian cho người dân tham gia cổ vũ. Ngoài ra, cũng cần mở thêm một số dịch vụ kèm theo để lấy lễ hội “nuôi” lễ hội nhằm duy trì, phát triển một cách bền vững".

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện có 20 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 10 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Hiện, địa phương đã phối hợp, khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, khám phá thiên nhiên; du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian gắn với tham quan chùa Hoằng Phúc, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Đồng chí Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy chia sẻ: “Việc bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gắn với khai thác các sản phẩm du lịch sẽ là động lực để Lệ Thủy phát triển du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người Lệ Thủy”.

Theo MINH TÚ (Quân đội nhân dân)