Liên kết sản xuất ở vùng núi Tri Tôn

24/01/2024 - 04:55

Huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp (DN), tập đoàn đến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà máy lương thực, trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Một số DN lớn mở rộng vùng nguyên liệu, hình thành các hợp tác xã (HTX), trợ giá đầu vào, bao tiêu đầu ra, hình thành chuỗi sản xuất bền vững.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện được 117.928ha, tăng 1.305ha so năm 2022 (diện tích lúa 114.977ha, diện tích hoa màu các loại 2.951ha). Năng suất một số loại cây trồng tăng, trong đó năng suất lúa bình quân đạt 6,62 tấn/ha, sản lượng lúa cả năm 2023 đạt 761.148 tấn, tăng 6,63%. Trong khi đó, tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện 2.340ha, tăng 140ha, gồm nhiều chủng loại, như: Xoài, cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi), chuối, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn Ido…

Huyện Tri Tôn huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vùng sản xuất, như: Hệ thống thủy lợi vùng cao, hồ chứa, kênh mương thủy lợi; các chính sách hỗ trợ trong đầu tư nhà màng, nhà lưới cho người dân và DN.

“Diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa tăng. Về hoa màu, liên kết tiêu thụ 3ha ớt Hàn Quốc ở xã Tân Tuyến với Công ty TNHH HAEJU FARM; 10ha rau tần dày lá với Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang; 12ha chanh không hạt tiêu thụ bởi Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ. Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, huyện đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn sử dụng ứng dụng (app) Rice Hero trên địa bàn 7 xã (Tà Đảnh, Tân Tuyến, Lương An Trà, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lê Trì), với 500 nông dân tham dự” - ông Nguyễn Văn Văn thông tin.

Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, toàn huyện hiện có 5.477 con bò, giảm 28,21% so cùng kỳ, nhưng bù lại, tổng đàn heo 19.664 con, tăng 10,07% (hộ chăn nuôi 9.089 con, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải An Giang nuôi 10.575 con); tổng đàn gia cầm 172.720 con, có 101 nhà nuôi chim yến. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Ngành thú y huyện đã thực hiện tiêm phòng vaccine ngừa bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn cho vật nuôi được 6.098 con gia súc và 335.000 con gia cầm.

Trên địa bàn Tri Tôn hiện có 24 HTX đang hoạt động (23 HTX nông nghiệp, 1 HTX phi nông nghiệp). Tổng doanh thu bình quân 2,8 tỷ đồng/HTX/năm; tổng lợi nhuận bình quân 140 triệu đồng/HTX/năm. Đối với Liên hiệp HTX Tri Tôn, có 12 HTX thành viên, tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng, liên kết khoảng 15.772ha. Huyện còn có 23 trang trại; 48 tổ hợp tác (THT), với 599 thành viên, trong đó có 14 THT thực hiện liên kết với Công ty TNHH Angimex-Kitoku diện tích 82ha, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú 217ha, hợp tác các DN liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, diện tích 2.500ha.

Để phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, năm 2023, UBND huyện Tri Tôn đã triển khai thi công 65 công trình thủy lợi, tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Huyện đã công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đang lập thủ tục đề nghị công nhận 2 sản phẩm mật thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania đạt OCOP 5 sao - cấp quốc gia.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát việc tham gia đề án 1 triệu ha lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Phát (huyện Tri Tôn)

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm 2024, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mô hình chuỗi liên kết, từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện hỗ trợ các DN xây dựng liên kết “Cánh đồng lớn”, gắn sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành canh tác, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân thành lập các HTX, THT liên kết với DN. Huyện mở rộng cả về quy mô, đối tượng, chủng loại giống cây trồng có giá trị cao để sản xuất hàng hóa mang tính đặc trưng, phát huy thế mạnh của địa phương, như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng dược liệu, cây ăn trái, chuối cấy mô, chăn nuôi theo hướng trang trại; hình thành vùng chuyên canh màu...

Tri Tôn khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển trang trại tập trung liên kết với DN. Đồng thời, hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, bố trí lại hợp lý chuồng trại, ứng dụng các quy trình, công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng hố biogas để xử lý chất thải, đảm bảo cho môi trường chăn nuôi nhỏ và vừa phát triển bền vững.

HOÀNG XUÂN