Liên kết tiêu thụ sản phẩm - hướng đi mang tính bền vững

02/10/2018 - 07:53

 - Đó là khẳng định của ông Huỳnh Gia, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vĩnh Gia (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) khi công ty liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP) triển khai dự án chăn nuôi heo theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Thực hiện mô hình liên kết, 2 bên sẽ giảm thiểu rủi ro, được Nhà nước hỗ trợ vốn giá rẻ để phát triển chăn nuôi.

Giảm thiểu rủi ro

Những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương của tỉnh trong phát triển NNƯDCNC, Công ty TNHH Hoàng Vĩnh Gia đã hợp tác với Công ty CP, triển khai mô hình nuôi heo có bao tiêu sản phẩm với tổng đàn lên đến 6.000 con. Ông Gia cho biết, thời gian nuôi mỗi lứa heo từ 5 - 6 tháng. Mỗi năm, trại heo của ông xuất chuồng được 2 lứa. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi con heo, Công ty CP trả công cho chủ trại khoảng 450.000 đồng. Quá trình phát triển chăn nuôi, 2 bên đã lấy “chữ tín” để đảm bảo cho mối liên kết, từ đó đến nay chưa năm nào xảy ra tình trạng “bẻ kèo” lẫn nhau. “Mô hình liên kết chúng tôi đang thực hiện, trước hết sẽ giảm thiểu được rủi ro (đến mức thấp nhất) trong quá trình chăn nuôi. Thứ 2, khi thực hiện mô hình mà tỉnh khuyến khích, nông dân (ND) sẽ được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ; được công ty hỗ trợ đầu vào, đầu ra. Cụ thể, sau khi xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, Công ty CP sẽ cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Mỗi trại heo, gà đều có 1 - 2 kỹ sư của công ty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Từ đó lợi nhuận của ND được đảm bảo” - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vĩnh Gia Huỳnh Gia khẳng định.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cử cán bộ kỹ thuật chăm sóc gà cho nông dân

Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cử cán bộ kỹ thuật chăm sóc gà cho nông dân

Đến thời điểm này, Công ty TNHH Hoàng Vĩnh Gia đã xuất chuồng được 6 lứa heo và công ty đang tiếp tục thả nuôi, phát triển thêm tổng đàn. Nét độc đáo của mô hình liên kết này là người nuôi đảm bảo có lời, mặc dù đến kỳ thu hoạch, giá heo trên thị trường tăng, giảm bất thường. Giá gia công hàng năm chỉ phát sinh tăng (chứ không giảm), từ đó lợi nhuận của ND được đảm bảo. Thông qua mô hình này, sản phẩm làm ra chất lượng luôn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vì trong thịt heo, gà không có tồn dư các chất kháng sinh cấm, chất kích thích tăng trọng…

Vay vốn giá rẻ

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất phát triển, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ cho 5 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực NN. Đây là động lực giúp DN mạnh dạn đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn. “Chúng tôi đánh giá rất cao chủ trương này của Chính phủ, bởi trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc triển khai mô hình chăn nuôi với quy mô lớn thì nguồn vốn giá rẻ là rất cần thiết. Cụ thể, để liên kết với Công ty CP thực hiện mô hình, nuôi gia công heo, gà thì chủ đầu tư phải có vốn để mua đất, xây dựng chuồng trại, xây dựng các công trình phụ trợ như hệ thống điện, nước. Bình quân mỗi trại heo, gà phải đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, đó là chưa kể tiền mua đất. Vì vậy, khi tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ thì chủ đầu tư sẽ giảm bớt được gánh nặng về lãi suất” - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cao An Khang Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ.

 Hiện nay, ngoài Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh có nhiều gói tín dụng tốt dành cho DN. Cá biệt có những gói tín dụng, ngân hàng chỉ cho vay với lãi suất từ 5,5 - 6,5%/năm. “Sắp tới, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh An Giang sẽ nhận ủy thác, điều hành quỹ bảo vệ môi trường. Khi tiếp nhận được nguồn vốn này, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, triển khai các dự án NNƯDCNC,…” - Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh An Giang Nguyễn Huỳnh Quốc Bảo thông tin.

“Nếu DN nào đó nói rằng không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, chúng tôi sẽ cho kiểm tra xem DN đó có đủ điều kiện được vay vốn hay không? Nếu đủ điều kiện mà vẫn không vay được vốn thì chúng tôi sẽ cho DN đó đối thoại với lãnh đạo ngân hàng, nếu không xong thì UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp 3 bên để tìm nguyên nhân trả lời cho DN và dư luận…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

“Tiêu chí để liên kết với công ty là chủ đầu tư phải có sẵn quỹ đất, vốn để xây dựng chuồng trại, công ty sẽ hướng dẫn cách thức xây dựng chuồng trại. Địa điểm chăn nuôi phải xa khu dân cư, đảm bảo về môi trường và các thủ tục trong xây dựng. Khi 2 bên đạt được thỏa thuận ban đầu, ND được công ty đầu tư con giống, thức ăn, Vaccine; được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm khi heo, gà đến đợt xuất bán” - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại Kiên Giang, An Giang Lý Trung Trực thông tin

Bài, ảnh: MINH HIỂN