Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, hàng nghìn loại nấm có thể ăn được nhưng cũng có loại gây độc. Nấm độc có nhiều loài với hình thái, độc tố khác nhau. Thời tiết mưa rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Người dân nhầm lẫn nấm độc và nấm ăn được.
Trên thế giới, số ca ngộ độc nấm chiếm khoảng 2,1%, người bệnh tử vong do suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng. Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong ngộ độc nấm cao. Từ các vụ ngộ độc nấm xảy ra cho thấy nấm thường được lấy về chế biến thành các món ăn cho cả gia đình, do đó thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm tập thể.
Bác sĩ Dũng cho biết rất nhiều gia đình được đưa xuống tới Trung tâm Chống độc gồm 4-5 người và có người đã tử vong ở địa phương. Thậm chí, trường hợp gia đình ở Trà Lĩnh, Cao Bằng, có 9 người cùng ăn nấm thì tới 8 người chết.
Tháng 7/2023, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận gia đình gồm 5 người tại Hà Giang ngộ độc nấm, trong đó, 3 người tử vong, 2 người được cứu sống.
Các loại nấm độc được cán bộ y tế tại Mộc Châu, Sơn La thu lại sau mùa mưa để tuyên truyền cho người dân về nấm độc. Ảnh: Thanh Bình.
Theo Tiến sĩ Dũng, trong các loại ngộ độc nấm, độc tố amatoxin là nặng nhất, gây tử vong 90-95%. Các loại nấm chứa độc tố này thuộc chi Amanita, Galerina và Lepiota. Độc tố này có trong mũ, phiến, cuống và rễ nấm. Hằng năm, nấm này hay mọc vào mùa xuân nhất là thời kỳ mùa xuân cuối tháng 3, đầu tháng 4. Cùng 1 loại nấm nhưng mọc ở điều kiện tự nhiên khác nhau, hàm lượng độc tố cũng khác nhau.
Thực tế lâm sàng tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy những bệnh nhân ngộ độc nấm ở vùng Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn tỷ lệ tử vong cao hơn vùng Hòa Bình.
Cách sơ cứu nạn nhân ngộ độc nấm
Theo bác sĩ Dũng, ngộ độc nấm có 2 nhóm triệu chứng: Các trường hợp ngộ độc nhanh triệu chứng xuất hiện trước 6h, dấu hiệu rối loạn tiêu hóa cách tốt nhất là gây nôn. Ngộ độc chậm các triệu chứng đầu tiên xuất hiện muộn, thường 6 đến 40 giờ (trung bình 12 giờ) sau khi ăn nấm và thường gây chết người.
Các nhóm độc tố trong nấm ảnh hưởng tới cơ thể người ăn như sau:
- Amatoxin: Gây hoại tử tế bào gan, suy gan.
- Orellanin: Gây tổn thương thận, suy thận cấp.
- Gyromitrin: Tổn thương đa tạng, methomoglobin, sốt.
- Muscarin: Đau bụng, đi ngoài, nôn ói.
- Axit Ibotenic và muscimol: Tác động vào hệ thần kinh trung ương gây hưng phấn và ức chế luân phiên biểu hiện lúc cười, lúc khóc.
- Psilocybin và Psilocin: Gây rối loạn tâm thần.
- Coprin: Gây ngộ độc khi ăn nấm và có uống rượu.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo nếu có hiện tượng ngộ độc nấm, cách sơ cứu đầu tiên là gây nôn, có thể uống than hoạt tính và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Ngộ độc nấm không thể điều trị tại nhà. Trường hợp bệnh viện quá xa, người bệnh cần tránh bị hạ đường huyết.
Để phòng ngộ độc, cách tốt nhất là không ăn nấm tự nhiên. Bởi bác sĩ Dũng cho biết xác định nấm có độc hay nấm ăn được rất khó, ngay kể cả các chuyên gia về nấm khó nhìn bằng mắt thường. Chuyên gia này khuyến cáo người dân chỉ ăn nấm tự trồng hoặc mua ở các công ty sản xuất nuôi trồng.
Theo Vietnamnet