Kiểm tra mã QRcode trên điện thoại thông minh
Doanh nghiệp phấn khởi
Là một doanh nghiệp kinh doanh thịt heo đã khẳng định được uy tín, thương hiệu nhiều năm qua, lãnh đạo Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tỏ ra phấn khởi khi tham gia vào Dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương chủ trì thực hiện (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1450/QĐ-UBND, ngày 21-6-2018). Với việc dán mã QRcode lên sản phẩm, có logo nhận diện chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo tỉnh An Giang (kèm slogan “Chung tay vì sức khỏe người tiêu dùng”), phía dưới là logo quầy thịt heo (Pork Shop) kèm biểu tượng CP, người đi chợ dễ dàng nhận ra quầy thịt heo an toàn, được bày trí nổi bật so với các quầy thịt heo còn lại. “Ấn tượng đầu tiên là quầy thịt trông rất sạch sẽ, hình ảnh những cuộn thịt heo đặt lên mâm trông rất tươi, ngon. Những dòng ghi chú như: “thịt sạch, an toàn”, “truy xuất được nguồn gốc” tạo cho người mua cảm giác an tâm. Tôi dùng điện thoại quét thử mã QRcode trên sản phẩm thì toàn bộ thông tin về nơi chăn nuôi, địa điểm giết mổ, ngày giết mổ, hạn sử dụng hiện lên rõ ràng, đầy đủ. Tôi sẽ ủng hộ thịt heo an toàn” - chị Lê Thị Kiều Nga (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Giám đốc ngành thực phẩm khu vực ĐBSCL của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, có mặt ở Việt Nam từ năm 1993, công ty xây dựng chiến lược hướng đến 3 lợi ích bền vững là lợi ích của đất nước, lợi ích của người dân và lợi ích doanh nghiệp. Công ty đã xây dựng thành công quy trình kiểm soát chặt chẽ thực phẩm theo nguyên tắc chuỗi khép kín “Feed-Farm-Food” (Thức ăn chăn nuôi - Trang trại chăn nuôi - Nhà máy chế biến thực phẩm). “Có một thực tế, người tiêu dùng mua thịt ở chợ rất khó phân biệt đâu là thịt sạch, đâu là thịt có chứa chất tạo nạc, chất cấm hoặc bị bơm nước trước khi giết mổ. Việc truy xuất nguồn gốc tạo sự công bằng cho người chăn nuôi và doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Ngọc đánh giá.
Mở rộng liên kết
Giám đốc ngành thực phẩm khu vực ĐBSCL của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty thực hiện liên kết chăn nuôi với các đối tác là hộ nông dân, trang trại sản xuất. Hiện nay, mạng lưới liên kết của CP đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố với hơn 5.000 trang trại, trên 400.000 hộ nông dân tham gia. “Chúng tôi xây dựng quy trình sạch từ trang trại đến bàn ăn, gồm: con giống rõ nguồn gốc, thức ăn chất lượng, chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn phòng dịch. Một tuần trước khi xuất chuồng, chúng tôi cho kiểm tra nhanh đàn heo để có sản phẩm thịt sạch an toàn” - ông Ngọc thông tin.
Khi tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công thương, các trang trại tham gia liên kết với CP được đeo vòng nhận diện có khắc mã QRcode bằng tia laser vào 2 chân sau của heo. Thông tin về trang trại được chuyển về hệ thống trung tâm do Trung tâm Tin học (Trường Đại học An Giang) và Sở Công thương phối hợp xây dựng. Sau khi giết mổ, vòng nhận diện được gắn trực tiếp trên 2 mảnh thịt heo, được kiểm dịch viên “đóng dấu điện tử” thông qua máy đọc mã QRcode chuyên dụng để xác định nơi giết mổ, thời gian giết mổ, thông tin về nhân viên kiểm dịch và chứng nhận thịt đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn bộ thông tin này sẽ được truyền về máy chủ vận hành. Sau đó, thịt heo sẽ được bày bán tại các cửa hàng thịt heo truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QRcode là có đầy đủ thông tin. “Mô hình như một sự chứng nhận cho sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng” - ông Ngọc đánh giá.
Phấn khởi trước sự quyết tâm của An Giang về quản lý nguồn gốc thịt heo, ông Ngọc cho biết, thời gian tới, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam sẽ thành lập chi nhánh tại An Giang (hiện nay, chi nhánh Kiên Giang của công ty đang quản lý liên kết chăn nuôi ở An Giang và Kiên Giang, số lượng trên 45.000 con). Khi đó, công ty sẽ nâng diện tích liên kết chăn nuôi thịt heo an toàn, truy xuất nguồn gốc tại An Giang cao hơn rất nhiều so với hiện nay, có thể đạt 100.000 con vào năm 2020.
Nỗ lực của CP cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi có uy tín trong tỉnh như Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex), các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thịt heo sẽ giúp tăng đáng kể tỷ lệ thịt heo được truy xuất nguồn gốc so với hiện nay.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN