Long Xuyên ngập nhiều nơi…

02/10/2019 - 07:42

 - Do ảnh hưởng lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường trong những ngày qua, nhiều tuyến đường ở TP. Long Xuyên đã bị ngập úng. Do ngập sâu gây ách tắc giao thông nhiều nơi, việc đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn, buôn bán ế ẩm… Thậm chí, nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường bị nước tràn vào gây hư hại tài sản, mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Lưu thông khó khăn 

Quốc lộ 91 là tuyến giao thông huyết mạch của TP. Long Xuyên nhưng đã có gần chục điểm ngập, gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm. Theo ghi nhận của phóng viên, tình hình nước dâng gây ngập các tuyến đường trong nội ô TP. Long Xuyên đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mua bán, sinh hoạt của người dân. Chỉ một đoạn đường ngắn từ cầu Tầm Bót đến vòng xoay đèn Bốn Ngọn nhưng quãng đường đi làm hàng ngày của chị Hồng (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) trở nên rất khó khăn. Chị Hồng cho biết: “Nước lên vào sáng sớm đúng thời điểm đưa con đi học. Mình vừa phải vững tay lái, vừa phải né các phương tiện giao thông khác nhưng có lúc phải chịu cảnh ướt nhem quần áo khi bị xe lớn chạy ngang qua làm nước văng tung tóe lên mình. Nước từ cống tràn lên đen ngòm, hôi hám bám ướt cả người”.

Nhọc nhằn là cảnh chị Giang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) khi đi ngang qua đoạn đường trên do bị kẹt xe phải di chuyển chậm, xe bị ngập nước sâu, chết máy. Rất may, chị Giang được người dân hỗ trợ dắt xe lên lề đường, sửa xe mới có thể đi tiếp. Bạn Ngọc (sinh viên Trường Đại học An Giang) vai phải đeo túi balo để bảo vệ laptop và điện thoại, căng thẳng nhích từng chút một để không bị ngã xe ướt mình và các thiết bị. Cẩn thận là vậy nhưng chú Minh (phường Mỹ Phước) cũng không tránh khỏi té ngã bởi đã vô tình chạy qua “ổ gà” sát mé cống ven đường. Rất may là các phương tiện di chuyển chậm nên chú không bị thương tích!

Long Xuyên ngập nhiều nơi…

Nhiều đoạn trên Quốc lộ 91 biến thành “sông”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại. Ảnh: TRÚC PHA

Mua bán, sinh hoạt bị ảnh hưởng

Theo ghi nhận, nước lên gây ngập từ ngày 28-9 đến nay, cứ mỗi buổi sáng sớm từ 6 giờ đã ngập dài đến trưa tầm 10 giờ là rút hẳn. Chiều tối khoảng 18 giờ lại ngập tiếp đến hơn 2 giờ đồng hồ mới khô ráo trở lại. Chú Khoa, nhân viên bảo vệ cửa hàng Viettel (đoạn gần ngã tư đèn Bốn Ngọn, đường Trần Hưng Đạo) cho biết: “Thời gian ngập đúng vào giờ cao điểm các phương tiện đi làm vào sáng sớm và tan tầm. Nước dâng suốt mấy ngày hôm nay nên khách ngại ghé cửa hàng, lượng khách đến mua sắm không được nhiều như mọi khi”.

Cách đó không xa, nhiều trụ sở ngân hàng, cửa hàng thời trang cũng chịu cảnh vắng khách. Một số cửa hàng, nhà dân thấp hơn mặt đường nên đã dùng đến bao cát để ngăn nước không tràn vào nhà. Nhiều người phải túc trực để tát nước ra ngoài do nước tràn vào nhà gây hư hại nhiều đồ gia dụng. Ghi nhận tại một cơ sở y tế vào sáng 30-9, nước ngập vào cả nhà xe, gây khó khăn cho các bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị tại đây.

Trên tuyến đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Hòa), nước ngập sâu nhất là đoạn từ trụ sở Chi cục Thuế TP. Long Xuyên đến ngã ba Nguyễn Hoàng - Hà Hoàng Hổ. Đây là nơi có mật độ phương tiện đông đúc và lưu lượng xe tải lớn di chuyển nhiều nên các phương tiện qua khu vực này phải rất cẩn trọng để né tránh nhau… Đoạn đường Ung Văn Khiêm (khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) cũng chịu cảnh ngập sâu. Đây là đoạn đường “trũng” nên các phương tiện rất ngán ngại lưu thông, phải đi vòng ra phía sau để ra đường Nguyễn Văn Linh rồi vòng ra ngã tư Ung Văn Khiêm - Lý Thái Tổ. Một số tuyến đường trong khu vực chợ Xẻo Trôm (phường Mỹ Phước), các hẻm nhỏ khu vực cầu Cái Sơn trong, khu vực Kênh Đào, Xẻo Chanh… cũng bị ngập nhẹ.

Các cửa hàng vật liệu xây dựng, quán cà phê, tiệm bán thức ăn sáng cũng chịu cảnh ế ẩm, chủ quán chỉ biết ngồi “bó gối”! Bởi không có mấy khách chịu khó đậu xe ngay khu vực ngập nước để mua đồ, ăn uống như mọi khi. Ghi nhận tại đầu hẻm 8, đường Trần Hưng Đạo (phường Mỹ Xuyên), nhiều người buôn bán nước giải khát, bánh nướng than vãn: “Mấy ngày nay buôn bán ế ẩm quá, bởi chỉ có mình buôn bán mới chịu cảnh lội nước, chịu đựng mùi nước hôi từ cống dâng lên, chứ khách nào chịu ghé mua. Biết vậy nhưng vì miếng cơm nên mình cứ bán, thôi được đồng nào hay đồng đó, chịu khó mấy hôm hy vọng nước sẽ rút hết”.

HỮU HUYNH - TRÚC PHA