Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 phải phù hợp với thực tiễn vùng miền

22/03/2021 - 07:51

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, từ năm 2021, quyền chọn lựa sách giáo khoa sẽ giao cho lãnh đạo địa phương.

Tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn để việc lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định, phù hợp thực tiễn vùng miền, đồng thời tôn trọng ý kiến của các nhà trường, giáo viên, đảm bảo tính hệ thống, kế thừa và không gây xáo trộn trong dạy học.

Bộ sách "Chân trời sáng tạo" lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Lựa chọn bộ sách phù hợp, hiệu quả

Theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Tại Nghệ An, từ đầu tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến lựa chọn trên cơ sở các bộ sách giáo khoa từng môn học được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Cụ thể, việc lựa chọn sách giáo khoa phải thực hiện đúng quy trình theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời dựa trên các tiêu chí và thực tiễn giáo dục địa phương. Mỗi cơ sở giáo dục sẽ chọn ít nhất 1 bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học và gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp. Kết quả lựa chọn sách từ các nhà trường sẽ được tổng hợp và chuyển cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tỉnh phê duyệt. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tỉnh là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mỗi bộ môn sẽ có một Hội đồng thẩm định riêng và có đại diện cho từng vùng, miền.

Trường Tiểu học Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, đã hướng dẫn giáo viên truy cập vào các đường link để đọc và nghiên cứu bản PDF các bộ sách giáo khoa lớp 2. Trước đó, nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên sẽ dạy học khối lớp 2 trong năm học tới là những người có năng lực chuyên môn, năng động, có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. “Ban Giám hiệu nhà trường cũng trao đổi với các tổ trưởng chuyên môn triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên về chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để  toàn thể cán bộ, giáo viên nắm được chương trình, sau này triển khai dạy học có hệ thống, ổn định, tiếp nối theo từng khối lớp”, cô Nguyễn Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hương cho biết. 

Cô Nguyễn Thị Hải cho biết thêm, dù không trực tiếp quyết định lựa chọn sách giáo khoa, nhưng các nhà trường và giáo viên đều tham gia nghiên cứu, gửi ý kiến lựa chọn sách. Bên cạnh đó, trường đã có kinh nghiệm từ năm học trước khi lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 nên việc thay đổi trên không gây xáo trộn nhiều. Trường đã chủ động và có sự chuẩn bị chu đáo hơn so với năm học trước nên khá yên tâm khi triển khai chọn sách giáo khoa lớp 2. 

Với Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Vinh, ngoài việc sinh hoạt chuyên môn để tập trung nghiên cứu về sách giáo khoa, nhà trường đã lập danh sách toàn bộ giáo viên lớp 2 để tập huấn về sách giáo khoa mới, giúp giáo viên sớm tiếp cận. Từ ý kiến của các tổ chuyên môn, đa số giáo viên đều muốn bộ sách mới tiếp tục được tiếp nối bộ sách đã học từ lớp 1 để thuận lợi trong việc tổ chức dạy và học. 

Cô giáo Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: "Khi lựa chọn sách giáo khoa, chúng tôi rất cân nhắc và phần lớn giáo viên đã tự đọc, tự nghiên cứu trước. Qua đánh giá ban đầu, chúng tôi cho rằng bộ sách mới được trình bày đẹp, kênh hình, kênh chữ rõ ràng, học sinh và giáo viên đều yêu thích, có nhiều hoạt động dễ dạy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn bộ sách mới phải chuẩn ở nhiều nghĩa về cả hình thức, nội dung và đặc biệt phải phát triển được phẩm chất năng lực của học sinh."
 
Phát huy vai trò của nhà trường, giáo viên

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã phối hợp với đơn vị đào tạo sư phạm trên địa bàn tổ chức tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên lớp 2 và lớp 6 bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng gồm khung chương trình, chuyên đề từng môn học, xác định chủ đề dạy học, lập kế hoạch các hoạt động của môn học phù hợp với thực tế của mỗi cơ sở giáo dục…Từ đó, giáo viên có nền tảng về chương trình phổ thông mới và những định hướng cần thiết để nghiên cứu, lựa chọn tài liệu sách giáo khoa giảng dạy phù hợp với học sinh và thực tiễn địa phương. 

Đây là năm đầu tiên bậc Trung học cơ sở triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lựa chọn sách giáo khoa lớp 6. Vì vậy, việc nghiên cứu sách giáo khoa được các nhà trường thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng. Đối với trường đóng tại địa bàn miền núi cao, 100% học sinh người dân tộc thiểu số như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lưu Kiền, huyện Tương Dương, sau khi nhận văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã chuyển cho tất cả giáo viên để nắm rõ quy trình lựa chọn sách giáo khoa và nghiên cứu nội dung của từng bộ môn.

Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lưu Kiền cho hay: Ngoài nghiên cứu về nội dung sách cũng như quy trình lựa chọn sách giáo khoa thực sự phù hợp với địa bàn miền núi, nhà trường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để cơ bản đáp ứng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa lớp 6.

Với quy trình hiện nay, dự kiến Nghệ An sẽ công bố kết quả chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trước ngày 5/4. Nhằm đảm bảo tiến độ và việc lựa chọn được hiệu quả, đúng quy định, không gây xáo trộn trong dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã chỉ đạo quyết liệt đến các nhà trường.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Sở đã ban hành 4 tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng đã giới thiệu sách giáo khoa cho các nhà trường và đây sẽ là căn cứ để các nhà trường lựa chọn bộ sách giáo khoa sao cho phù hợp, đúng với các tiêu chí đề ra. Dù lựa chọn bộ sách nào thì vẫn phải đảm bảo ổn định, có tính kế thừa và không gây xáo trộn trong dạy học của các nhà trường, đồng thời tôn trọng ý kiến cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn và đặc thù từng vùng miền.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng mong muốn sau khi Hội đồng tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa, các đơn vị xuất bản và phát hành sớm cung ứng sách đến các nhà trường. Giáo viên tiểu học cùng lúc phụ trách giảng dạy nhiều môn. Bởi vậy, việc sớm có sách giáo khoa sẽ giúp họ chủ động trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng và triển khai dạy học thuận lợi trong năm học mới.

Theo BÍCH HUỆ (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích