Lúc khó khăn phải bình tĩnh, khi có dịch phải kiên quyết

18/03/2021 - 07:59

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc (ngày 17-3) nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và bàn các giải pháp trong thời gian tới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, cả nước kiểm soát tốt các đợt bùng phát của dịch bệnh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”.

Kiểm soát chặt chẽ

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, cả nước hiện cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan diện rộng. Tỉnh Hải Dương 10 ngày qua chỉ còn 4/12 địa phương (TP. Hải Dương, TP. Chí Linh, huyện Kim Thành, Cẩm Giàng) ghi nhận rải rác 1-2 ca mắc mới trong ngày, đều là các trường hợp đã cách ly từ trước; các địa phương khác đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã kịp thời có các chiến lược mới rất phù hợp, nhất là kiên định 5 nguyên tắc phòng, chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt là: “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch” theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và huy động hiệu quả của các tổ COVID-19 tại cộng đồng. Đồng thời, tổ chức phân loại, thu dung, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị. Hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, nhất là ở các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, đặc biệt là nguy cơ do nhập cảnh trái phép. Tổ chức Y tế thế giới dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài.

Khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm giải pháp 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế

Tính đến nay, cả nước ghi nhận (tích lũy) 2.560 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Trung ương đã có nhiều chỉ đạo, Chính phủ đã có nhiều chính sách kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)…

Không được chủ quan, mất cảnh giác

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến KT-XH, cần “tiếp tục chung sống”, có giải pháp phù hợp với dịch bệnh và thúc đẩy phát triển KT-XH. Do đó, tất cả các địa phương tái kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Chủ động trong trạng thái “bình thường mới”, coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển KT-XH. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian tới, việc kiểm soát dịch bệnh phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tính đến hết ngày 16-3, hơn 16.000 người là các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh đã được tiêm vaccine đảm bảo an toàn, các trường hợp đã tiêm vaccine đều có tình trạng sức khỏe ổn định. Bộ Y tế tiếp tục đàm phán để đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm sử dụng.

An Giang tăng cường chủ động

Đến ngày 17-3, An Giang chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19. Toàn tỉnh đang cách ly tập trung 195 người, cách ly tại nhà/nơi cư trú 49 người, sức khỏe ổn định. Thực hiện xét nghiệm 13.773 mẫu, tất cả âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện, diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, trong đó có Campuchia với số ca mắc trong cộng đồng gia tăng. Một số tỉnh giáp ranh như: Đồng Tháp, Kiên Giang có ca mắc COVID-19 do người nhập cảnh trái phép từ Campuchia… nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tặng quà động viên lực lượng phòng, chống dịch bệnh thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Phú). Ảnh: HỮU HUYNH

Ngày 17-3, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, nhất là 5 địa phương biên giới: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu sẵn sàng phương án cách ly, trong các khu cách ly tập trung thực hiện “người cách ly người, phòng cách ly phòng” không để lây nhiễm chéo và đảm bảo an ninh. Ngành y tế rà soát, phối hợp để có phương án xây dựng “Bệnh viện dã chiến” đảm bảo khi cần thiết; duy trì đảm bảo “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19” theo hướng dẫn Bộ Y tế.

Bộ đội Biên phòng phối hợp quân sự, công an đảm bảo quân số để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử nghiêm nhập cảnh trái phép. UBND các huyện, thị xã, thành phố phát động “Toàn dân chống dịch”; tích cực tuyên truyền để mọi người đều thông suốt các quy định phòng, chống dịch bệnh, không tiếp tay cho hành vi nhập cảnh trái phép…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH