Lưu học sinh Lào, Campuchia tại mái nhà chung An Giang

05/05/2025 - 07:39

 - Trường Đại học An Giang (ĐHAG, thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) từ lâu đã trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy của nhiều lưu học sinh đến từ các nước bạn bè láng giềng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia). Hiện, trường đang đào tạo 21 lưu học sinh, minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Tặng quà lưu học sinh nhân dịp Tết cổ truyền năm 2025

Cụ thể, Trường ĐHAG có 3 lưu học sinh khóa 2019 - 2024 đến từ tỉnh Champasak, Lào); 5 lưu học sinh khóa 2023 - 2028 đến từ tỉnh Champasak, học ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế quốc tế; 13 lưu học sinh khóa 2020 - 2025 đến từ các tỉnh Kandal, Takeo, Battambang (Campuchia), theo học ngành Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y.

Theo TS Nguyễn Hữu Trí (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHAG), trường luôn quan tâm, hỗ trợ lưu học sinh, khi thường xuyên tổ chức gặp mặt định kỳ, lắng nghe chia sẻ về tình hình học tập, đời sống của các em. “Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong trường, các cơ quan của tỉnh An Giang đã tạo nên môi trường học tập và sinh hoạt thuận lợi cho lưu học sinh. Đặc biệt, luôn tạo điều kiện để các em được tham gia vào hoạt động văn hóa truyền thống, như Tết Bunpimay của Lào, Tết cổ truyền của Việt Nam và Campuchia, cũng như nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng khác, giúp các em cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi như đang ở quê hương...” - TS Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

Phần lớn lưu học sinh thể hiện sự chăm chỉ, nỗ lực cao trong học tập, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường sống mới. Mặc dù ban đầu gặp không ít khó khăn do rào cản ngôn ngữ, khi chỉ có một khoảng thời gian ngắn học tiếng Việt trước khi bước vào chương trình đại học hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng các em đã tiến bộ đáng khích lệ, đạt kết quả học tập tương đối tốt. Bên cạnh việc học tập trên lớp, lưu học sinh còn tích cực tham gia hoạt động trao đổi văn hóa, phong trào do trường tổ chức, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên các nước.

“Khó khăn về ngôn ngữ, đặc biệt đối với các môn học chuyên ngành, vẫn là thách thức lớn đối với lưu học sinh, do thời gian học tiếng Việt hạn chế. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng đặt ra thách thức nhất định trong quá trình giảng dạy, học tập, giao tiếp giữa sinh viên và giảng viên 3 nước. Vì vậy, trường hy vọng, các ứng viên được lựa chọn đi học tại Việt Nam trong tương lai sẽ được trang bị kiến thức tiếng Việt cơ bản vững chắc trước khi đến, tạo nền tảng tốt hơn cho việc học tập và sinh hoạt tại Việt Nam...” - TS Nguyễn Hữu Trí cho biết.

Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, Trường ĐHAG đã thiết lập mối quan hệ đối tác với trường đại học, viện nghiên cứu của Lào và Campuchia. Năm 2010, trường ký kết biên bản hợp tác với Trường Đại học Champasak (Lào), mở ra cơ hội trao đổi giảng viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tổ chức hội thảo. Năm 2013, trường tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với Viện Bright Hope (Campuchia), tái ký vào năm 2019, tập trung vào đào tạo trình độ đại học cho sinh viên do Viện giới thiệu, hỗ trợ viện tham quan doanh nghiệp nông nghiệp tại An Giang, hội thảo về nông nghiệp, giáo dục và môi trường.

Đặc biệt, năm 2019, trường ký kết biên bản hợp tác với Trường Đại học Battambang (Campuchia), dự kiến tái ký vào năm 2025, mở rộng hoạt động hợp tác, bao gồm: Trao đổi ấn phẩm học thuật, tài liệu, chia sẻ giáo trình, phát triển khóa học và chương trình chung; trao đổi cán bộ giảng dạy, nghiên cứu; trao đổi sinh viên cho các chương trình thực tập ngắn hạn; phát triển dự án nghiên cứu hợp tác.

TS Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh: “Đến nay, trường đã thực hiện nhiều chế độ chính sách hỗ trợ thiết thực, như trao tặng học bổng cho lưu học sinh Lào, Campuchia. Sự quan tâm, hỗ trợ toàn diện không chỉ giúp các em yên tâm học tập, mà còn góp phần vun đắp tình đoàn kết giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên các nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, đây cũng là hình thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, giữa tỉnh An Giang với các đối tác quốc tế”.

Trường ĐHAG đã và đang triển khai nhiều khóa đào tạo đại học chính quy theo chương trình học bổng hữu nghị giữa tỉnh An Giang, Takeo, Kandal, Battambang và Champasak. Từ năm 2010 đến nay, trường đào tạo 61 lưu học sinh Campuchia, 27 lưu học sinh Lào. Sau khi tốt nghiệp, lưu học sinh trở về nước, mang theo những kiến thức, kỹ năng quý báu học được, cống hiến cho sự phát triển của đất nước mình.

PHƯƠNG LAN