Mã gen của virus SARS-CoV-2 ở Hải Dương giống với chủng virus ở Đà Nẵng

16/08/2020 - 09:12

Mẫu bệnh phẩm được phân tích, giải trình từ gen là của bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 14/8, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chùm ca COVID-19 ở Hải Dương rất đáng quan ngại. Bộ Y tế đang giải mã gen virus ở đây để tìm mức độ liên quan với chủng virus ở Đà Nẵng.

Kết quả phân tích của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, mã gen của virus SARS-CoV-2 ở ca bệnh của Hải Dương giống với chủng virus đang gây bệnh ở Đà Nẵng.

Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Mẫu bệnh phẩm được được phân tích, giải trình từ gen là của bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Trường hợp này được xác định mắc COVID-19 khi đến khám tại một bệnh viện của Hà Nội. 

Đây cũng là ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện liên quan đến ổ dịch mới nhất của Hải Dương. Từ trường hợp này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 4 ca mắc mới. 

Ban Chỉ đạo cho rằng, việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.

Để chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động... Đây là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời. Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó; đồng thời Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.

Trước đó, trả lời báo chí,  GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích, bản chất virus Corona luôn có đột biến. Hiện nay, thế giới xác định được gần 99 chủng của loại virus này. Việt Nam mới ghi nhận chủng thứ 6, còn quá ít so với các chủng này trên thế giới.

Theo GS Kính, chủng mới có độ lây lan nhanh hơn rất nhiều nhưng độc lực so với virus ban đầu không tăng lên. Điều quan trọng nằm ở chỗ, người ta đã xác định được độ lây lan của các chủng virus SARS-CoV-2 này lớn hơn rất nhiều lần so với chủng virus ban đầu. Tuy nhiên, độc lực lại không tăng lên. Hệ quả là tốc độ lây lan nhanh hơn, có rất nhiều người nhiễm nhưng tỉ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch vẫn chỉ ở mức 5%”.

GS Kính dẫn chứng: Cả thế giới hiện nay sau 3 ngày tăng đến 1 triệu ca mắc mới COVID-19, trong khi đó trước đây phải mất đến 1 tuần mới đạt con số này. Hiện tại, toàn cầu đã cán mốc 16 triệu ca mắc COVID-19 nhưng số ca tử vong đang dần kiểm soát được.

Vì vậy, các biện pháp chống dịch, mà chúng ta đang áp dụng sẽ vẫn giúp kiểm soát tốt tình hình. Người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và không tụ tập nơi đông người, che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay, hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1m, thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào. 

Theo DIỆU THU (Dân Việt)