Thông thường, qua 3 mùng Tết, hiện tượng "chán cơm nhà" sẽ bắt đầu xuất hiện. Nghĩ tới bánh chưng, giò, chả rồi lại thịt gà, canh măng, ai cũng lắc đầu từ chối. Đây là lúc mà các món rau xanh lên ngôi. Nhưng lên thực đơn thế nào để thanh đạm mà vẫn hấp dẫn là thử thách "khó nhằn". Nếu bạn đang đau đầu chọn lựa thì có thể tham khảo các món ăn dưới đây.
Kho quẹt
Món ăn dân dã này của miền Nam đáp ứng đủ 3 tiêu chí ngon - bổ - rẻ, phù hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Ngoài ra, kho quẹt là món tổng hợp nhiều loại rau củ nhiều màu sắc như cà rốt, bông cải, đậu bắp, bắp cải..., rất hợp không khí đầu xuân.
Niêu kho quẹt - món ăn chống ngán sau Tết
Làm kho quẹt cũng không hề khó, chỉ gồm những nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh của nhiều gia đình ngày Tết là thịt lợn. Chỉ cần kho thịt với nước sốt mặn ngọt, thêm chút cay nồng của ớt và tiêu thì đĩa rau luộc đơn giản cũng hết veo trong một nốt nhạc.
Nguyên liệu:
Thịt ba chỉ (300 gr), tôm nõn khô (100 gr), 2 củ hành tím, 1 củ tỏi, đường, nước mắm, dưa chuột, cà rốt, su su, quả lặc lè.
Cách làm:
Thịt rửa sạch, thái con chì nhỏ. Tôm khô ngâm nước nóng 10 phút cho mềm. Thịt cho vào chảo đảo cháy cạnh, đến khi miếng thịt vàng đều, mỡ tóp lại là được. Cho ít mỡ vào chảo phi hành và tỏi rồi đổ tôm vào đảo cùng. Khi tôm chín, cho thịt vào đảo đều.
Tiếp đến, bạn lấy 6 thìa canh đường, 4 thìa canh nước mắm, 5 thìa nước hòa tan rồi đổ vào nồi. Đun trên bếp đến khi nào hỗn hợp sền sệt lại thì cho ớt quả và hạt tiêu vào. Đun thêm 5 phút thì cho thêm hành lá rồi tắt bếp.
Củ quả rửa sạch, thái vừa ăn, luộc chín cà rốt, su su, quả lặc lè, sau đó bày ra đĩa, chấm với nước kho quẹt.
Miến gà trộn
Bạn có thể tận dụng thịt gà thái nhỏ các nguyên liệu sẵn có trong tủ lạnh để làm topping là đã có một bát miến trộn giải ngán cực hữu hiệu trong những ngày này.
Nguyên liệu:
Thịt gà, miến (khối lượng vừa đủ), hành lá, giá đỗ, chanh, ngò tây, ngò rí cùng gia vị khác như nước mắm, nước tương, gừng, hạt nêm…
Miến gà trộn - món ăn chống ngán sau Tết
Cách làm:
Gà rửa sạch rồi luộc với nước có pha gừng, hạt nêm, hành tây, đến khi chín thì cho vào nước lạnh để nguội rồi lọc, cắt, xé thịt thành từng miếng mỏng. Pha nước trộn bằng cách dùng một ít nước dùng gà, xì dầu, nước mắm, chanh,bột ngọt… Rửa sạch giá đỗ và miến rồi sử dụng nước dùng gà để chần. Rưới đều nước trộn vào một cái tô có chứa thịt gà, miến, giá đỗ, các loại rau (đã được thái nhỏ) rồi trộn đều lên và thưởng thức.
Nộm gà
Nguyên liệu:
Thịt gà luộc 300-500 gr, hành tây 2 củ, cà rốt 1 củ, giá đỗ 150 gr, rau răm 1 mớ, lạc 100 gr, chanh hoặc quất, ớt tươi, tỏi, đường, giấm, muối, gừng
Cách làm:
Thịt gà xé thành từng sợi nhỏ.
Hành tây bóc vỏ, thái sợi nhỏ, ngâm vào bát nước đá để bớt hăng, có độ trắng và giòn. Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch, nạo hoặc cắt thành từng sợi nhỏ. Rau răm nhặt bỏ gốc và lá vàng, rửa sạch, vảy khô nước rồi thái nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập. Chanh hoặc quất vắt lấy nước cốt, bỏ hạt. Rau giá rửa rồi để ráo nước. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Ớt bỏ hạt, cắt nhỏ. Lạc rang chín, để nguội, xát bỏ rồi giã vỡ.
Cách làm nộm gà chua ngọt khá đơn giản.
Trộn cà rốt với nước cốt chanh và 2 thìa đường, để ngấm. Hành tây trộn với một ít giấm cho mềm rồi chắt bỏ nước, cho thịt gà và rau giá, cà rốt vào, thêm đường, bột canh, tỏi, ớt, nước cốt chanh vào trộn đều, để cho ngấm.
Cuối cùng, cho rau răm vào trộn cùng. Nêm lại gia vị cho vừa khẩu vị, để thêm 5-7 phút rồi cho một nửa chỗ lạc rang vào trộn.Cho nộm gà ra đĩa, rắc chỗ lạc còn lại lên trên, thêm chút rau thơm là có thể thưởng thức món ăn chống ngán sau Tết này.
Phở cuốn
Tuy chỉ được coi là món “ăn chơi” nhưng phở cuốn rất đáng được bổ sung vào bữa cơm sau những ngày Tết.
Bạn đem rau diếp, cà rốt, dưa chuột, rau mùi rửa sạch. Thái mỏng dưa chuột, cà rốt và giò chả.
Phở cuốn vừa dễ làm vừa dễ ăn.
Chiên trứng và cắt thành từng lát mỏng. Luộc thịt lên và cũng thái thành từng lát mỏng vừa ăn. Tiếp theo, lấy 2 thìa nước cốt chanh pha với 2 thìa đường, 2 thìa nước mắm, 3 thìa nước, 1 thìa bột canh và tỏi, ớt băm nhỏ, trộn đều lên. Sau khi chuẩn bị xong tất cả, bạn để bánh phở lên đĩa, đặt các nguyên liệu đã sơ chế lên trên và cuộn lại là xong.
Nộm xoài tai heo
Nguyên liệu:
Tai heo (1 cái), xoài xanh (1 quả to), cà rốt (1 củ), các loại rau thơm, rau mùi, rau răm (100 gr), lạc rang giã nhỏ (50 gr), chanh tươi (2 quả).
Sơ chế:
Rửa tai heo qua dung dịch nước muối pha loãng, sau đó sử dụng nước cốt của 1 quả chanh tươi chà xát kỹ lên toàn bộ tai heo, rửa sạch tai heo dưới vòi nước xả đến khi sạch hoàn toàn, cho ra rổ, để ráo.
Đun sôi lượng nước vừa đủ dùng để luộc tai heo cùng gừng giã nhỏ và 2 thìa giấm gạo, trở đều đến khi thấy tai heo chín, bạn vớt ra tô nước lạnh, có thể cho thêm ít đá viên để tai heo được trắng, giòn ngon hơn. Cho tai heo vào túi đựng thực phẩm rồi bỏ vào ngăn đông tủ lạnh 30 phút, lấy ra, thái mỏng.
Nộm xoài tai heo - món ăn chống ngán sau Tết
Xoài xanh rửa sạch, để nguyên vỏ, băm hoặc thái nhỏ. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái chỉ, trộn với ½ thìa đường để trong 15 phút để cà rốt mất đi vị hăng, vắt kỹ. Lạc rang xa kỹ vỏ, giã dập.
Cách làm:
Bước 1: Làm nước mắm chua ngọt trộn nộm xoài xanh tai heo.
Cho 4 thìa đường và 4 thìa nước mắm vào nồi, đun nhỏ lửa đến khi đường tan hết hòa quyện với nước mắm sền sệt như mật ong là đạt yêu cầu. Cần nêm vừa đủ gia vị để xoài xanh tai heo không bị chảy nước.
Bước 2: Trộn nộm xoài xanh tai heo.
Cho tai heo, xoài xanh, cà rốt, một nửa các loại rau thơ, rau mùi, rau răm vào âu dùng để trộn nộm. Tiếp đó bạn cho nửa bát nước mắm đã pha chế vào, trộn đều nhẹ nhàng, để trong 5 phút cho món nộm xoài xanh tai heo ngấm gia vị. Cuối cùng nêm nếm lại vị cho vừa ăn, có thể cho thêm nước mắm tùy thích. Vậy là bạn đã có món ăn chống ngán sau Tết tuyệt hảo.
Theo VTC