Mạnh dạn thay đổi để thích ứng với COVID-19

16/11/2021 - 06:34

 - Khi mở cửa thích ứng, việc xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 không phải là điều quá đáng ngại. Vấn đề là phải mạnh dạn thay đổi cách ứng phó, như: Khoanh vùng hẹp nhất, cách ly F1, điều trị F0 tại nhà kết hợp dùng thuốc Molnupiravir… Với tiến độ phủ nhanh vaccine, chỉ cần số ca khỏi bệnh hàng ngày nhiều hơn số ca nhiễm mới, giảm số ca nặng và khống chế tỷ lệ tử vong ở mức thấp là có thể thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19.

Mạnh dạn điều trị tại nhà

Vô tình bị nhiễm COVID-19 nhưng anh M. (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) không cảm thấy lo lắng khi TP. Long Xuyên triển khai cách ly, điều trị tại nhà đối với F0 nhẹ, không triệu chứng. Phía trước nhà anh M., UBND phường Bình Khánh dán bảng thông báo nền đỏ với nội dung “Nhà có F0 đang cách ly, điều trị, vui lòng không tiếp xúc”, tiến hành giăng dây phong tỏa quanh nhà, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân xung quanh giám sát, liên hệ.

“Tôi và vợ đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19, dù nhiễm bệnh nhưng tôi cảm thấy khỏe. Được điều trị tại nhà, tôi ở trong phòng riêng, không tiếp xúc người thân, sinh hoạt và làm việc online (trực tuyến) khá thoải mái. Vợ tôi cũng làm việc online tại nhà, cùng 2 đứa con sinh hoạt phòng riêng. Sau 6 ngày điều trị, tôi test lại âm tính, cả nhà cũng âm tính. Nói chung, được điều trị tại nhà, tâm lý mình được yên tâm, vững vàng hơn so với phải đi cách ly, điều trị tập trung” - anh M. chia sẻ.

Cách ly, điều trị F0 tại nhà là mô hình cần triển khai nhanh trên địa bàn An Giang

Việc một số địa phương triển khai cách ly, điều trị tại nhà đối với F0 nhẹ, không triệu chứng như trút gánh nặng tâm lý cho những người chẳng may nhiễm bệnh, đồng thời giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế khi để chăm sóc người nhiễm, đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tốn thêm nguồn nhân lực, trong khi người bệnh có thể tự điều trị dưới sự hướng dẫn của y tế cơ sở.

Trong những chuyến khảo sát, làm việc, chia sẻ với các địa phương của tỉnh, PGS.TS Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế đều nhận định, tuy tình hình dịch bệnh trên địa bàn An Giang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Ông Chính đề nghị các huyện, thị xã, thành phố nên mạnh dạn, chủ động, linh hoạt cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly, điều trị tại nhà. Đồng thời, công bố số điện thoại Trạm Y tế cán bộ y tế cơ sở để họ kịp thời thông báo tình hình sức khỏe, tư vấn qua điện thoại, hạn chế đưa vào cơ sở thu dung, điều trị, tránh quá tải cho các cơ sở y tế. Chuyên gia này cũng khuyến cáo không tầm soát diện rộng, khi có trường hợp nhiễm thì nên phong tỏa trong phạm vi hẹp để kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả…

Thông suốt tư duy chống dịch

Tính đến ngày 14-11, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn An Giang đạt 95,1%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi gần 58%. Cùng với phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, tỉnh cũng đang đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Một thông tin tích cực khác là An Giang cùng với Cà Mau, Sóc Trăng và Ninh Thuận nằm trong số 4 tỉnh được Bộ Y tế bổ sung vào đề cương nghiên cứu nhánh trong Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát tại cộng đồng mang tên “Đánh giá chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ ở một số tỉnh tại Việt Nam”.

Sản phẩm nghiên cứu là viên nang Molnupiravir 200mg, do Công ty Optimus Pharma Private Limited (Ấn Độ) sản xuất, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Med Tech An An tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong số 500.000 viên thuốc Molnupiravir phân phối đợt này, An Giang nhận được nhiều nhất với 200.000 viên. Với lượng thuốc điều trị 40 viên/bệnh nhân, số thuốc này đủ điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ.

Phong tỏa hẹp nhất nhằm kiểm soát, dập dịch hiệu quả

Một bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh, đang tham gia hỗ trợ điều trị F0 cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy thống nhất trong phòng, chống dịch. “Bộ Y tế đã có chỉ đạo, một số tỉnh, thành phố đã áp dụng thành công rồi thì mình cứ mạnh dạn cách ly, điều trị F0 nhẹ tại nhà, không cần phải thí điểm nữa cho đỡ mất thời gian. Molnupiravir là vũ khí thứ 2 sau vaccine để phòng, chống COVID-19.

Để vượt qua đợt dịch này, An Giang cần triển khai sử dụng nhanh thuốc Molnupiravir. Do thuốc này phải dùng sớm trong 3-5 ngày đầu mới phát huy hiệu quả kháng virus SARS-CoV-2 tốt nhất nên phải tăng cường máy xét nghiệm PCR, xác định nhanh các trường hợp F0 trong vòng 1-2 ngày để không lỡ mất cơ hội sử dụng thuốc. Nếu triển khai nhanh cách ly F0, F1 tại nhà, kết hợp sử dụng thuốc Molnupiravir sớm, số ca khỏi bệnh sẽ tăng nhanh, tránh quá tải cho hệ thống y tế khi mà số F0 đang điều trị hiện đã vượt quá 7.000 ca” - vị bác sĩ này nhấn mạnh.

Những ngày qua, số ca nhiễm mới ở An Giang tăng, nhưng vấn đề ở chỗ, số ca cộng động không tăng nhiều, trong khi số ca nhiễm mới trong các khu cách ly, phong tỏa luôn ở mức cao. Nếu không mạnh dạn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ vẫn còn; nguồn nhân lực, vật lực vẫn phải đổ vào khu cách ly, cơ sở điều trị F0 không triệu chứng, công tác chống dịch sẽ còn khó khăn…

“Cùng với mạnh dạn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, điều quan trọng là phải tăng cường nhân lực cho tuyến y tế cấp xã (có thể tăng cường bác sĩ, điều dưỡng tuyến tỉnh, huyện về hỗ trợ ở xã, phường, thị trấn nguy cơ cao); triển khai ngay túi thuốc y tế cho F0 tại nhà. Mỗi Trạm Y tế xã cần trang bị 5 bình ô-xy, 5 cái máy đo SpO2, 1 laptop (máy tính xách tay) để sử dụng phần mềm quản lý F0 sử dụng thuốc Molnupiravir. Chi phí đầu tư này chỉ vài chục triệu đồng/xã nhưng sẽ tăng năng lực y tế cho tuyến xã, hỗ trợ kịp thời F0, F1 ngay từ cơ sở” – một bác sĩ tuyến tỉnh đề xuất.

NGÔ CHUẨN