Thượng tá Đỗ Thành Tâm- Thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, cho hay, năm 2023, 17 trường quân đội cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2022, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển; không trường nào có phương thức tuyển sinh khác.
Năm 2023, các trường quân đội tuyển khoảng 4.300 chỉ tiêu đại học. Tuy nhiên, chỉ 4 trường, học viện tuyển thí sinh nữ, gồm: Học viện Kỹ thuật quân sự (20 chỉ tiêu); Học viện Quân y (32 chỉ tiêu, ngành Y khoa và ngành Dược); Học viện Khoa học quân sự (8 chỉ tiêu, các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Trung Quốc và ngành Quan hệ quốc tế); Học viện Hậu cần (4 chỉ tiêu).
Theo ông Tâm, điều kiện quan trọng đối với các trường quân đội - tất cả thí sinh muốn dự tuyển, phải qua sơ tuyển (tại Ban chỉ huy quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh).
Thời gian sơ tuyển năm nay dự kiến khoảng cuối tháng 3 đến trước ngày 20/5.
Về tiêu chuẩn, các thí sinh phải đủ 3 điều kiện:
Thứ nhất về độ tuổi, thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT tuyển từ 17 đến 21 tuổi; thí sinh là quân nhân hoặc quân nhân đã xuất ngũ tuyển đến 23 tuổi.
Thứ hai về sức khỏe, Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã tổ chức khám sức khỏe và kết luận các em có đủ điều kiện để dự tuyển hay không.
“Về tiêu chuẩn cụ thể khác nhau của từng trường, chúng tôi sẽ có công bố công khai. Nhưng có những tiêu chuẩn chung, các em phải đạt sức khỏe loại 1, sức khỏe loại 2 trên tất cả các tiêu chí”, ông Tâm nói.
Thứ ba về lý lịch chính trị, các thí sinh và gia đình phải có lý lịch cơ bản rõ ràng và đủ điều kiện để kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thí sinh bắt buộc là Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thượng tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
Riêng về tật khúc xạ, theo ông Tâm, hiện, Bộ Quốc phòng đang chia làm 2 nhóm trường:
“Nhóm thứ nhất, đào tạo các ngành sĩ quan chỉ huy, tham mưu, hậu cần, chính trị, không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.
Đối với 3 học viện gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự, tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 diop. Theo đó, sau khi đeo kính, cả 2 mắt phải đạt 19/10 trở lên, riêng mắt phải đạt 10/10”.
Về yêu cầu chiều cao đối với thí sinh, theo hướng dẫn tuyển sinh năm 2022 chia làm 2 nhóm.
Cũng theo ông Tâm, nhóm đào tạo các ngành sĩ quan chỉ huy, tham mưu, hậu cần, chính trị, yêu cầu thí sinh phải cao từ 1m65, nặng từ 50kg trở lên. Nhóm đào tạo kỹ sư, bác sĩ, yêu cầu cao từ 1m63, nặng 50kg trở lên.
Những thí sinh người dân tộc thiểu số, hoặc người cư trú ở khu vực 1, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, cần cao từ 1m62 và nặng từ 50kg trở lên.
"Riêng thí sinh là người thuộc 16 dân tộc đặc biệt ít người theo Nghị định 57 của Chính phủ chỉ cần đạt từ 1m60.
Tuy nhiên, năm 2023, chúng tôi đang báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng nghiên cứu xem xét tiêu chuẩn chiều cao đối với thí sinh là người khu vực 1, hải đảo. Những tiêu chuẩn nếu được ưu tiên hơn, chúng tôi sẽ cố gắng công bố cụ thể trong tuần cuối của tháng 3”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cho hay, bên cạnh phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Quốc phòng thực hiện xét tuyển thẳng đối với thí sinh đạt giải cấp quốc gia, quốc tế theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng dành 5% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển vào tất cả các trường đối với các thí sinh có đủ các điều kiện sau: Có kết quả học tập THPT cả 5 năm học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt loại Giỏi; Có chứng nhận đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (đối với Tiếng Anh là IELTS 5.0 hoặc TOEFL iBT từ 50 điểm trở lên).
Với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc có thể đăng ký ưu tiên xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Tiếng Trung Quốc và Ngôn ngữ Tiếng Nga tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Theo Vietnamnet