Mo cau và tuổi thơ

26/01/2018 - 09:42

Ngày xưa, có thể nói mo cau đối với trẻ con là cả một "gia tài". Giờ đây, không mấy ai còn nhớ đến vật phẩm quen thuộc từ cây cau đã gắn bó một cách sâu sắc với người lao động, nhất là trẻ con đó nữa.

Nhắc đến cây cau người ta thường nghĩ ngay đến những thứ quen thuộc xung quanh nó như trái, hoa ... Những thứ đã đi vào thơ ca một cách bình dị và sâu lắng: “Quả cau nho nhỏ cái vỏ vân vân” (ca dao) hay “ Hoa cau rụng trắng sân nhà” (Đỗ Trung Quân). Không mấy ai còn nhớ đến một vật phẩm quen thuộc từ cây cau đã gắn bó một cách sâu sắc với người lao động, nhất là trẻ con, đó là chiếc mo cau, còn gọi là cái tàu mo.

Hình ảnh chiếc mo cau rất thân thuộc ở các miền quê

Một cái tàu mo thì có hai phần: phần mo cau và tàu cau. Mẹ tôi bảo mo cau làm được nhiều thứ lắm: mo cau làm quạt (chẳng phải vì thế mà có cái quạt mo của thằng Bờm đó sao), mo cau gói cơm nắm, để gói cơm nắm mo cau phải ngâm nước một đêm cho mềm ra rồi để cho ráo nước. Cơm phải nấu hơi nhão rồi dùng mo cau gói lại nén cho thật chặt, đến khi ăn thì giở ra và xắt thành từng khoanh ăn kèm với thức ăn khô mang theo.

Thích nhất là mo cau dùng như một cái máng xối để hứng nước mưa từ cây cau. Nhà nào có trồng cau trước sân thì luôn có một cái khạp nhỏ để cạnh đó, hễ trời mưa thì canh mà hứng nước. Nước mưa hứng từ cây cau luôn trong và ngọt nhất. Ai đi đâu về uống một ngụm nước mưa là nghe mát cả lòng. Nhưng sáng tạo nhất có lẽ là dùng mo cau để làm dép. Đối với nhà nghèo mỗi người chỉ có một đôi dép để mang khi ra ngoài, còn ở nhà chỉ có dép mo cau.

Nếu mo cau thường dùng để làm các vật dụng trong nhà thì phần tàu cau quý hơn vì có thể bán lấy tiền. Tàu cau có hình lông chim giống như tàu dừa, tước hết phần lá mểm ra còn lại phần cọng cứng người ta dùng để bó chổi quét nhà.

Có thể nói tàu mo đối với trẻ con là cả một gia tài. Hồi ấy đi học chỉ có một buổi, còn một buổi hai chị em tôi lê la chơi từ đầu làng tới cuối xóm. Nhưng chơi gì thì chơi cũng để ý lắm, đi ngang vườn nhà ai mà có mo cau rụng là vác ngay về hoặc đang ngồi trong nhà mà nghe ngoài hè có tiếng “bộp” là biết có mo cau rụng hai chị em liền chạy ra tranh lấy. Bà cố tôi thấy mo cau thì mừng lắm, bà sẽ hào phóng cho chị em tôi  ít tiền lẻ rồi đem cất mo cau đi ngay. Để rồi vào những ngày nắng tốt và không bị cái bệnh hen suyễn hành hạ bà sẽ bày ra trước hiên nhà ngồi tước tàu cau để bó chổi. Nếu có cái tàu cau nào hơi xấu xấu bà sẽ cho hai chị em tôi làm xe kéo. Một đứa ngồi lên mo cau một đứa kéo chạy vòng vòng vòng quanh sân. Lắm lúc cả hai đứa đều té nhào bầm chân, rách quần mà vẫn không sợ.

Mo cau là món đồ chơi quý giá của trẻ em ngày xưa

Bây giờ người ta vẫn trồng cau nhưng không ai còn quý  mo cau nữa. Mẹ tôi có một người bạn chuyên bó chổi tàu cau nhưng bây giờ phải bỏ nghề vì không ai thèm nhặt mo cau để bán cho bà bó chổi. Có những hôm tôi chợt vô tình thấy trước sân nhà ai đó có mo cau rụng (cũng may mà tôi không vào nhặt lấy như một thói quen của một thời con trẻ), cái mo cau vẫn nằm đấy, im lìm trên nền đất như một dấu lặng buồn nghiệt ngã của thời gian. Mo cau đã là thứ xa lạ với tuổi thơ hôm nay.

Theo CHÂU TRƯỜNG THANH (Báo Dân Sinh)