Mở lối đi mới cho nghệ thuật dân gian

29/10/2022 - 08:55

Tranh dân gian vốn gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam. Nhưng cuộc sống có nhiều đổi thay, nhu cầu trang trí không gian sống cũng khác trước, khiến nhiều dòng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Với mong muốn chấn hưng nghệ thuật dân gian, nhóm họa sĩ Latoa Indochine đã “tái tạo” các mẫu tranh dân gian trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc. Sáng tạo này tôn vinh nét đẹp của tranh dân gian, giúp chúng trở nên sang trọng và phù hợp nhu cầu cuộc sống hơn.

Trong xưởng làm việc ở ngoài bãi sông Hồng (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giữa bốn bề cây cỏ, họa sĩ Lương Minh Hòa cùng các đồng nghiệp trong nhóm Latoa Indochine đang từng bước hoàn thiện bức tranh “Ngũ hổ”. Đây là bức tranh thờ nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống, dùng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm “ông ba mươi” với năm mầu: Trắng, đen, xanh, đỏ, vàng tương ứng với ngũ hành (kim, thủy, mộc, hỏa, thổ). Trong đó, hành thổ đóng vai trò “trung tâm”, với hổ vàng uy mãnh ở chính giữa. Trong tranh Hàng Trống, những sắc mầu của tranh Ngũ hổ hết sức rực rỡ.

Tuy vậy, họa sĩ Lương Minh Hòa cùng đồng nghiệp đã sử dụng một phương pháp nghệ thuật “vừa mới, vừa cũ”, đó là sơn mài khắc. Thay cho cái rực rỡ của tranh Hàng Trống nguyên bản, khi “đi” vào sơn mài, các gam mầu trở nên trầm hơn. Đặc điểm của sơn mài là “sơn” và “mài”. Sau mỗi lần sơn, các nghệ sĩ lại mài đi, đến khi đạt hiệu ứng mầu sắc, ánh sáng cần thiết thì mới dừng lại. Kết quả không chỉ có những chỗ cần phối mầu, ngay cả khi trang trí một mầu thì là việc được mài đi tạo ra độ “loang”, tạo ra các sắc độ khác nhau. Ở bức Ngũ hổ, “ông hổ” trung tâm được dát vàng, những đám mây được dát bạc rực rỡ, còn các lớp mầu, các họa tiết trang trí sâu thẳm trở nên huyền bí.

“Nhưng đó chưa phải mấu chốt của tranh sơn mài khắc. Đặc điểm nổi bật của tranh dân gian là các nghệ nhân phải trải qua công đoạn in nét từ ván khắc, tạo ra những nét đen. Nếu chỉ là tranh sơn mài, thì chúng ta không thể truyền tải hết cái độc đáo của yếu tố in - khắc trong tranh dân gian”, họa sĩ Lương Minh Hòa giải thích. Vẫn ở bức “Ngũ hổ”, cái hồn tranh dân gian là những “nét in” trong tranh gốc được chuyển tải gần như vẹn nguyên bằng sự kết hợp với kỹ thuật khắc trên chính bức tranh. Cái khác là tranh dân gian nét in nằm trên mặt phẳng thì với tranh sơn mài khắc, đó là những nét khắc nổi, khiến bố cục tranh giữ vững sự chặt chẽ.

Đặc điểm nổi bật của tranh dân gian là các nghệ nhân phải trải qua công đoạn in nét từ ván khắc, tạo ra những nét đen. Nếu chỉ là tranh sơn mài, thì chúng ta không thể truyền tải hết cái độc đáo của yếu tố in - khắc trong tranh dân gian

Họa sĩ Lương Minh Hòa

Bằng phương pháp này, nhóm Latoa Indochine đã sáng tác được khoảng 150 mẫu tranh dân gian của ba dòng tranh lớn nhất miền bắc, gồm: Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và Đông Hồ của Bắc Ninh. Gọi là sáng tác, bởi nó không đơn thuần là sự chuyển thể chất liệu. Trong quá trình sáng tạo, nghệ sĩ có những thay đổi về mầu sắc, về tạo hình để tạo những hiệu ứng mỹ thuật hay xa hơn, là lấy cảm hứng từ các mẫu tranh kinh điển để tạo ra những tác phẩm mới.

Tranh dân gian vốn gắn bó đời sống tinh thần người Việt từ xa xưa, nhất là tục treo tranh Tết những dịp năm mới. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi, việc xây dựng, trang trí nhà cửa cũng khác xưa rất nhiều. Hầu hết các dòng tranh dân gian đều gặp khó khăn. Ngay cả với trung tâm sản xuất tranh lớn nhất miền bắc một thời là làng Đông Hồ, giờ chỉ còn vài hộ gia đình làm tranh. Mỗi bức tranh xưa, không chỉ độc đáo về tạo hình, phối mầu, mà luôn mang những ý nghĩa sâu xa.

Thí dụ như bức “Bé trai ôm gà” của dòng tranh Đông Hồ, thực ra, tên gốc của nó là bức “Vinh hoa”. Con gà trống trong quan niệm người xưa mang năm đức tính: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Treo bức tranh là thay lời chúc cho gia đình có những bé trai có đủ năm đức tính ấy. Hay như trong bức “Cá chép trông trăng”, cá chép xưa được coi là đại diện cho ý chí của con người, gắn với sự tích “cá chép vượt vũ môn”, mang ẩn ý của gia chủ khi sử dụng. Khi các dòng tranh mai một, những cái hay, cái đẹp trong tranh dân gian, vì thế, ngày càng ít được biết đến. Nhiều người nhận ra điều đó và cũng không ít người tìm đường “chấn hưng” những dòng tranh.

Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long chia sẻ: “Người ta bảo, đi đến tận cùng của hiện đại, ta sẽ gặp truyền thống. Sau một chặng đường gắn bó với mỹ thuật, tôi và các anh em nhận ra vốn quý của tranh dân gian. Mấy anh em quyết định tập hợp lại trong nhóm Latoa. Latoa là viết tắt của “lan tỏa”. Chúng tôi nghĩ mình phải tìm hướng lan tỏa các giá trị ấy. Trong nghệ thuật, trong trang trí đương đại, có một kỹ thuật-nghệ thuật được ưa chuộng và làm sang trọng các không gian, đó sơn mài. Vì thế, chúng tôi quyết định thử nghiệm “tái tạo” tranh dân gian trên sơn mài”.

Latoa Indochine ra đời chưa lâu, nhưng các thành viên đã có hàng chục năm gắn bó, nghiên cứu tranh sơn mài, tranh dân gian. Các họa sĩ của nhóm đã thử nghiệm làm hàng chục mẫu tranh dân gian trên chất liệu sơn mài. Nhưng họ vẫn thấy có gì đó chưa đạt, không đúng “chất” tranh dân gian. Đó chính là việc thiếu những “nét in”. Các họa sĩ lại thử nghiệm kỹ thuật sơn khắc - một kỹ thuật ra đời muộn hơn sơn mài khoảng mười năm, bằng cách khắc tranh, giữ nét đen và tô mầu cho phần còn lại.

Kết quả là các sản phẩm trông quá nhiều tính mỹ nghệ, các mảng mầu lại quá đơn điệu. Nhưng khi đặt hai thứ “thất bại” cạnh nhau, thì giải pháp đã ra đời. Đó chính là sự kết hợp giữa sơn mài và sơn mài khắc. Kỹ thuật nọ bổ trợ cho kỹ thuật kia để vừa giữ “chất”, vừa nâng tầm cho tranh dân gian.

Sau khi đã gia công vóc (cốt gỗ để làm sản phẩm sơn mài, sơn khắc), các nghệ sĩ sẽ khắc tranh trên vóc. Mẫu tranh được dán lên vóc, họa sĩ sẽ khoét đi những phần vốn để in hay tô mầu, chỉ để lại phần nét đen, tương tự như khi người ta khắc ván in tranh. Tuy nhiên, thay vì “hạ nền” toàn bộ như khắc ván in tranh, các họa sĩ chỉ “hạ nền” phần nhân vật, họa tiết và một đường viền mảnh quanh nhân vật họa tiết. Tiếp đó, mới tạo mầu cho tranh, hoặc thếp vàng, thếp bạc, gắn xà cừ, vỏ trứng... nếu cần. Mỗi lớp mầu lại phải mài một lần.

Dầu bóng được dùng trong pha mầu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt mầu tạo thành độ sâu thẳm của tranh. Kết quả của quá trình ấy là những tác phẩm có sự kết hợp ba yếu tố: Tranh dân gian, sơn mài và sơn khắc. Họa sĩ Lương Minh Hòa cho biết: “Càng làm thì càng sinh ra nhiều phức tạp. Nếu tỉ mỉ, chi tiết quá, thì lại giống một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà thiếu tính nghệ thuật. Nhưng nếu để tâm hồn bay bổng tự do quá, thì sẽ mất đi yếu tố của tranh dân gian. Mỗi tác phẩm là cả một quá trình mà chúng tôi phải “đi thăng bằng” để bảo đảm được yếu tố truyền thống và sáng tạo”.

Mới đây, nhóm Latoa Indochine đã giới thiệu 120 bức tranh sơn mài khắc của mình trong triển lãm “Con đường” tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài những tác phẩm từ tranh dân gian, còn một số tác phẩm độc đáo khác như: Chân dung Nguyễn Trãi, phóng tác bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” (bức tranh cổ vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi)... Triển lãm được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao về sự kế thừa và sáng tạo.

Chuyên gia về tranh dân gian, người bao năm qua đau đáu về khó khăn, sự mai một của các dòng tranh, Phó Giáo sư Phan Ngọc Khuê nhận định: “Các bức tranh sơn mài khắc với đề tài tranh dân gian đã giữ nguyên nét, hồn cốt của tranh dân gian nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc dát vàng, dát bạc... Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng mầu đối lập và bắt sáng làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Đây thật sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa”.

Các bức tranh sơn mài khắc với đề tài tranh dân gian đã giữ nguyên nét, hồn cốt của tranh dân gian nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc dát vàng, dát bạc

Với mong muốn lan tỏa nghệ thuật dân gian, nhóm Latoa Indochine không làm ra những bản tranh đơn nhất. Mỗi bức sơn mài khắc sẽ có thiết kế cơ bản, từ đó có thể được “nhân bản” với số lượng lớn. Song, mỗi sản phẩm cụ thể vẫn có sự khác biệt rất lớn, đó là cách phối mầu, cách sử dụng chất liệu khác nhau, các nghệ sĩ sẽ chủ động tạo ra những hiệu ứng mầu sắc khác nhau trong quá trình mài sản phẩm.

Điều đó giúp các tác phẩm vẫn có chất “độc bản”, trên nền thiết kế chung “Giải pháp này giúp mọi người có thể tiếp cận tranh với giá cả hợp lý hơn, và cũng giúp chúng tôi thực hiện mong muốn lan tỏa của mình. Từ sản phẩm, phương pháp làm việc của mình, chúng tôi hy vọng còn tạo ra cảm hứng thúc đẩy các nghệ sĩ, nghệ nhân khác có những sáng tạo mới trong chấn hưng nghệ thuật truyền thống”, Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long cho biết thêm.

Theo GIANG NAM (Nhân Dân)