Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản

29/12/2021 - 07:01

 - Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành công thương tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, người sản xuất, doanh nghiệp (DN) có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh...

Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản

Để hỗ trợ người sản xuất, DN trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Sở Công thương chủ động phối hợp sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Theo kế hoạch, Sở Công thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản; cung cấp thông tin, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, ưu tiên đối với 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.

Sở Công thương cho biết, đơn vị hỗ trợ đưa 50 sản phẩm OCOP của 35 DN trên địa bàn tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn; 12 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và trên 15 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử khác. Đơn vị hỗ trợ 22 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ kinh doanh phân phối hàng qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”; hỗ trợ 21 DN tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương). Đồng thời, hỗ trợ nhiều DN xây dựng website bán hàng; tham gia lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị nâng cao kiến thức về thương mại điện tử...

Hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP An Giang lên sàn thương mại điện tử

Ngành công thương còn triển khai hoạt động hỗ trợ DN kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo hình thức kết nối giao thương trực tuyến. Trong năm 2021, Sở Công thương chuyển tiếp hơn 20 thông tin về hội thảo, hội nghị giao thương đến DN; phối hợp tổ chức hội nghị kết nối DN tỉnh với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Qua đó, hỗ trợ 13 DN kết nối với tập đoàn phân phối, như: Aeon, Lotte, Amazon… Đồng thời, chủ động kết nối với các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, cam kết về thuế… Từ đó thông tin đến DN xuất khẩu của tỉnh để nghiên cứu tham gia sàn thương mại điện tử phù hợp.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ DN, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương phối hợp kết nối và tiêu thụ trên 75 tấn nông sản các loại cho nông dân thông qua hình thức kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, để tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông sản của tỉnh, Sở Công thương hỗ trợ 2 DN tham gia vào “Mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả”; cấp 400 tem truy xuất nguồn gốc thịt heo và 5.850 tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cho DN, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tiếp tục hoạt động hỗ trợ

Theo đánh giá của Sở Công thương, việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử không những giúp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên cả nước một cách hiệu quả, mà còn giúp việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, tránh bị thương lái ép giá.

Tuy nhiên, hộ sản xuất nông nghiệp chủ yếu kinh doanh qua trang mạng có tính bảo mật không cao, dễ xảy ra tình trạng mất thông tin khách hàng, bị lừa đảo... Bên cạnh đó, kỹ năng bán hàng qua sàn thương mại điện tử của họ còn hạn chế; chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về sản phẩm, mẫu mã, bao bì, hình ảnh, quy trình bảo quản, vận chuyển sản phẩm… nhất là nông sản tươi, ngắn ngày. Đặc biệt, chưa nắm vững các bước để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với sở, ban, ngành hỗ trợ đưa nông sản của nông dân, DN lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn hộ sản xuất kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử; tuyên truyền nâng cao ý thức của nông dân trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm quy định chất lượng đã cam kết với sàn thương mại điện tử...

Ngoài ra, ngành công thương tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu cho thị trường trong nước và mở rộng hoạt động xuyên biên giới; phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, phối hợp với sở, ban, ngành; cơ quan thuộc Bộ Công thương, tham tán thương mại các nước để trao đổi thông tin, chính sách nhu cầu thị trường hỗ trợ DN các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác trên lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu phát triển.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích