Món ngon của núi rừng

31/05/2022 - 05:00

 - Với địa hình đặc thù, sức sống ở vùng Bảy Núi “bừng tỉnh” mạnh mẽ nhất khi mùa mưa tới. Đây là thời điểm thu hút khách du lịch theo nhiều loại hình trải nghiệm, khám phá, hành hương… món ăn ngon, thức uống đậm chất núi rừng không phải nơi nào cũng có.

Sau Tết Nguyên đán thì từ tháng 4 (âm lịch) là đợt cao điểm người dân Bảy Núi đón khách du lịch đông nhất trong năm. Kết hợp với hành trình về vía Bà Chúa Xứ tại núi Sam, du khách có thể ghé qua các địa bàn lân cận viếng chùa, tham quan núi, tìm mua đặc sản làm quà. Người thích trải nghiệm sẽ không bỏ qua những dòng suối mát, vườn rừng, món ăn độc lạ… bằng cách nhờ dân bản địa thay vì đi theo tour thiết kế.

Vài năm gần đây, các con suối ở huyện Tịnh BiênTri Tôn được mọi người “check-in” không ngớt. Tuy không có cơ sở hạ tầng thu hút, nhưng sự đơn sơ riêng biệt của suối tạo nên sức hút cho người ưa thích khám phá thiên nhiên. Mưa càng nhiều thì những dòng suối càng chảy mạnh, nước trong và mát lạnh. Đây là mùa lý tưởng cho các loại sinh vật sinh sôi, thích hợp cho cây trồng canh tác theo triền núi phát triển.

Trong số món ăn được săn lùng mùa này, phải kể đến cua núi và ốc núi. Sống ở địa hình đặc trưng, mặc nhiên chúng mang thêm cái tên “núi” để phân biệt với cua, ốc ở đồng bằng và biển. Ốc núi có màu đen hoặc màu trắng sữa, mình tròn và hơi dẹt. Mỗi con ốc to bằng ngón tay cái, có thể phân biệt con đực và con cái bằng hoa văn trên vỏ.

Ốc núi trốn dưới những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Mùa mưa đến, chúng trồi lên, xuất hiện rất nhiều. Ban đêm cư dân trên núi soi đèn bắt ốc dọc theo các dòng suối, hốc cây, tảng đá… Với họ, mấy năm trước chúng chỉ là món ăn chơi, nhưng giờ đã là món hảo hạng bán cho du khách với giá khá cao từ 200.000-300.000 đồng/kg. Thịt ốc núi dai, ngọt, không có mùi tanh hay mùi bùn. Tùy số lượng bắt được, dân bản địa bán hoặc chế biến tại chỗ theo nhu cầu của thực khách.

Còn cua núi sống trong hốc, khe đá ven suối, không chỉ ở núi Cấm mà một số nơi khác cũng tìm thấy khá nhiều. Không dễ dàng như đi bắt ốc, việc “săn” cua núi khá gian nan, vất vả. Chị Lê Thị Ngọt (nhà ở gần suối Ô Đá, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) cho biết, có thể canh lúc cua ra khỏi hang tìm mồi hoặc dùng cần câu đặc biệt để bắt. Ở đầu cành cây, người ta buộc chắc sợi thun, nhử cho cua vừa kẹp vào thun là giật chúng kéo khỏi hang.

Cua núi nhỏ như cua đồng, rất nhanh nhẹn, có màu đỏ đẹp lạ. Giá bán cua núi khá cao, nhưng không phải lúc nào cũng có, mà cần đặt trước. Sau một đêm săn, cua được phân chia theo loại nhất, nhì, giá dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/kg. Dân vùng núi săn cua, ốc nói riêng hay các loại sản vật nói chung đều tôn trọng món quà từ thiên nhiên. Gặp những con đang có trứng, họ sẽ thả lại chứ không bắt. Nhờ vậy, mỗi năm “vào mùa”, những món ngon có tiếng ở núi Dài, núi Cấm mới được bảo tồn, thu hút khách thập phương đến nhiều hơn. Chúng được cho là thực phẩm sạch vì sống ở vùng núi hoang sơ, gần suối. Cách chế biến lại càng giản đơn để giữ lại vị tươi ngon nhất, như: Rang me, xào tỏi, luộc lá chúc… Món ăn đọng lại dư vị khó quên cho ai từng thưởng thức.

Bên cạnh món ngon thì thức uống khi đến vùng Bảy Núi cũng hấp dẫn khác lạ. Chẳng hạn món nước thốt nốt quen thuộc, trái thốt nốt ngọt dẻo ở đâu cũng có. Nhưng tìm uống món thốt nốt sữa phải đến xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) mới có. Qua mùa thốt nốt, người ta trữ nước bằng tủ đông. Khi chế biến, phần nước đông này được tạo thành “đá” mịn, kết hợp trái thốt nốt cắt vừa ăn, chế thêm sữa đặc, rắc đậu phộng thơm giòn trên cùng.

Trong khi đó, đến mùa dâu, không rõ từ lúc nào, cư dân núi có thêm thức uống mới từ loại trái này. Dâu xanh hoặc dâu vàng trồng ở triền núi trở thành kinh tế chính của nhiều hộ, canh tác thuận tự nhiên. Dâu gặp mưa nhiều thì sẽ có vị ngọt, nhưng mưa nhiều quá thì trái sẽ nứt, không bán được. Dâu tàu, dâu bòn bon, dâu Gia Bảo… loại nào cũng có thể tận dụng để nấu nước hoặc làm mứt.

Chị Thùy Dung (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết, trái dâu được tách sạch vỏ để lấy múi riêng và trộn đường cát. Sau khi tan chảy trong đường, hỗn hợp được sênh trên bếp lửa vừa. Dâu vỏ vàng sẽ cho màu đỏ đẹp mắt mà không cần dùng phẩm màu, còn dâu vỏ xanh cho màu trắng trong, cuối cùng dằn thêm chút muối để đậm vị. Thưởng thức ly nước dâu đẹp mắt, vị chua chua ngọt ngọt và thanh mát sau hành trình khám phá núi mệt mỏi là cách giải tỏa tốt nhất.

Về với vùng Bảy Núi, thưởng thức những món ngon từ sản vật hiếm thấy ở rừng trở thành một phần thú vị không thể thiếu trong hành trình của nhiều du khách. Hòa mình vào bầu không khí mát mẻ, trong lành, cảm nhận sự thân thiện trong từng lời ăn tiếng nói của người bản địa, kể cả cách họ thết đãi khách theo cách đơn giản nhất… cũng đủ để khách phương xa luyến lưu, hẹn một lần nữa tìm về.

MỸ HẠNH