Mong chờ quyết sách đúng đắn đi vào cuộc sống

12/01/2022 - 05:23

 - Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa kết thúc. Khoảng cách địa lý của các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không làm giảm sút chất lượng kỳ họp. Ngược lại, hàng loạt ý kiến tâm huyết, phân tích, mổ xẻ đa chiều được nêu lên từ các điểm cầu trực tuyến trong cả nước, góp thêm sức mạnh về trí tuệ, dân chủ cho những quyết sách mới.

Điểm nhấn nổi bật nhất là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển KTXH; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này gần 350.000 tỷ đồng.

Chương trình xác định khung vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (dự kiến năm 2022-2023): Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương thống nhất sự cần thiết ban hành nội dung này. Qua hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chủ trương, chính sách tập trung phát triển, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không ít vấn đề tồn tại, như: Tiến độ triển khai chính sách chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, một số trường hợp chưa kịp thời hỗ trợ, hỗ trợ chưa hiệu quả… Điều đó đặt ra thách thức, đòi hỏi Chính phủ, bộ ngành Trung ương quan tâm khắc phục, để chính sách xây dựng, hỗ trợ lần này mang hiệu quả thiết thực hơn.

“Trên cơ sở nguyện vọng của cử tri, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề. Thứ nhất, sớm ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ một cách kịp thời hơn, nhằm tạo sự đột phá, sức lan tỏa lớn. Việc hỗ trợ cần được triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp mọi tình huống, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Thứ hai, sớm đưa ra tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, trong đó ưu tiên, phân nhóm cụ thể, nội dung nào cần làm ngay, nội dung nào triển khai từng bước… đảm bảo tính khả thi. Chính sách mới cần được rà soát, tiếp nối với chính sách đã triển khai trước đây. Thứ ba, chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát… không để xảy ra tình trạng sai sót, vi phạm, nhất là khi nguồn lực rất lớn, thời gian triển khai ngắn” - bà Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.

Kỹ thuật “1 luật sửa nhiều luật” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008, mang nhiều ưu điểm, như: Tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc xây dựng luật; không phải lặp lại các bước của thủ tục lập pháp; khắc phục nhanh chóng mâu thuẫn có thể có của hệ thống pháp luật. Vì thế, tại kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự).

ĐBQH Nguyễn Văn Thạnh (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) đóng góp: “Tôi thống nhất cao về phạm vi sửa đổi, cấp thiết tháo gỡ vấn đề khó khăn, vướng mắc, giải pháp kích thích, phục hồi phát triển KTXH sau đại dịch. Tuy nhiên, đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định để kịp thời sửa đổi một cách đầy đủ, toàn diện, phù hợp với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đơn cử, đối với Luật Đầu tư công, đề nghị chuyển thẩm quyền cho HĐND tỉnh các dự án nhóm A của địa phương (sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) như dự án nhóm B, C”.

Liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ĐBQH Phan Huỳnh Sơn (Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh) mở rộng vấn đề: “Đề nghị khi trình Quốc hội lần tới các dự án liên quan đầu tư công trung hạn về giao thông đường bộ, Chính phủ cần cung cấp số lượng phương tiện giao thông đường bộ đăng ký trên 63 tỉnh, thành phố. Để từ đó, đánh giá lưu lượng phương tiện quá tải như thế nào? Quá trình phát triển giao thông giai đoạn 2016-2021 ở từng vùng, từng tỉnh, hợp lý hay chưa? Đây là cơ sở khoa học để ĐBQH xem xét, cho ý kiến thông qua dự án hợp tình, hợp lý”.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh, đại dịch bùng phát, kinh tế của Việt Nam bị nhiều tác động tiêu cực, nhất là các tỉnh phía Nam. Kết quả cuối năm 2021 là bước “chạy đà” khá hoàn hảo cho năm 2022. Tuy nhiên, để trở lại nhịp phát triển trước đây, thực hiện tốt chương trình, mục tiêu phát triển giai đoạn 5 năm và tầm nhìn xa hơn, Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị nguồn lực, điều kiện hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất kịp thời đưa các nguồn lực, điều kiện vào cuộc sống. Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá rất cao nội dung Quốc hội chuẩn bị; tích cực thảo luận, góp ý, kiến nghị một số vấn đề trọng tâm.

“Đặc biệt, chúng tôi quan tâm dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Nghị quyết được thông qua, không chỉ có lợi cho TP. Cần Thơ, mà cho cả vùng ĐBSCL khi tương đồng về khí hậu, kinh tế, văn hóa… Các tỉnh ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng mong chờ nghị quyết đi vào cuộc sống. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ cùng gắn kết, giám sát, theo dõi, phối hợp đoàn ĐBQH các tỉnh, chính quyền địa phương triển khai chương trình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Dự kiến, Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp cho cử tri, đề xuất hướng phát triển kinh tế, phát triển vùng… để góp phần tháo gỡ điểm nghẽn cho An Giang trong thời gian tới” - ông Trình Lam Sinh chia sẻ.

GIA KHÁNH