Một bộ phận của cá cực tốt cho sức khoẻ nhưng nhiều người không biết

02/09/2023 - 15:10

Cá là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, nhưng bộ phận nào của cá bổ nhất thì không phải ai cũng biết.

Cá là nguồn thực phẩm phổ biến trên thế giới. Cá ngon, bổ dưỡng và đặc biệt có thể chế biến thành nhiều món ăn tốt cho sức khoẻ. Vậy nhưng có một bộ phận của cá cực kỳ tốt cho sức khoẻ mà nhiều người không biết vẫn thường bỏ đi.

Bộ phận được đánh giá là bổ dưỡng nhưng nhiều người không biết thường bỏ đi chính là da cá.

Báo Dân trí dẫn nguồn trang Healthline cho biết, ngày nay, không ít người lo ngại về tính an toàn của việc ăn da cá. Tuy nhiên, điều này là không chính xác vì trong nhiều thế kỷ qua, con người đã ăn da cá mà không gặp vấn đề gì.

Điều quan trọng là làm sạch lớp vảy bên ngoài của da cá trước khi ăn. Thực tế, những món ăn nhẹ từ da cá đang trở thành một sự lựa chọn phổ biến trong nhiều quốc gia trên thế giới.

Da cá cực kỳ bổ dưỡng.

Da cá cực kỳ bổ dưỡng.

Cần lưu ý rằng, môi trường sống tự nhiên có thể khiến cá bị ô nhiễm bởi thủy ngân. Mức độ ô nhiễm này phụ thuộc vào mức độ ô nhiễm của nguồn nước.

Thủy ngân chủ yếu tích tụ trong não và thịt cá, nhưng có thể có một lượng nhỏ nhiễm vào da cá. Vì vậy, nên thận trọng với các loại cá biển lớn, vì chúng thường chứa hàm lượng thủy ngân cao do sống lâu và hấp thụ thủy ngân từ cá nhỏ trong chuỗi thức ăn.

Các thành phần dinh dưỡng trong da cá có thể thay đổi tùy thuộc vào loại cá. Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các loại da cá đều cung cấp những chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.

Lượng thuỷ ngân điển hình của cá

Dưới đây là một vài ví dụ về hàm lượng thủy ngân điển hình của cá.

- Loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp: cá da trơn, cá bơn, cá minh thái, cá hồi, cá rô phi, cá ngừ đóng hộp.

- Loại cá có hàm lượng thủy ngân trung bình: cá chép, cá mú, cá chim lớn.

- Loại cá có hàm lượng thủy ngân cao: cá thua vua, cá mập, cá kiếm, cá ngói.

Tác dụng của da cá đối với sức khoẻ

Nếu ăn da cá đúng cách, cơ thể bạn sẽ nhận được những tác dụng dưới đây.

Chất đạm

Da cá chứa lượng chất đạm đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ bắp và sự tăng trưởng của cơ thể. Chất đạm giúp giảm nguy cơ mắc các rối loạn phát triển và thiếu sắt. Ngoài ra, trong chất nhầy của da cá còn chứa các chất đạm như histones và transferrin, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.

Omega-3

Da cá là nguồn thực phẩm giàu axit béo omega-3, đặc biệt là axit (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA).

Omega-3 có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, làm giảm viêm nhiễm và tăng cường chức năng não.

Tốt cho da

Da cá là nguồn cung cấp collagen, một loại protein quan trọng trong cấu trúc của da, mô sụn và xương. Collagen giúp duy trì độ đàn hồi của da, tăng cường sự săn chắc của da và hỗ trợ trong quá trình tái tạo mô.

Bên cạnh đó, vitamin E thường được tìm thấy trong các loại cá có dầu như cá hồi. Vitamin E sẽ giúp bảo vệ làn da, chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời hay cải thiện một số bệnh về da liễu như bệnh chàm.

Giàu vitamin và khoáng chất

Da cá chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin E, vitamin D, sắt và kẽm. Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do gốc tự do.

Vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ và sử dụng canxi cho xương, trong khi sắt và kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng của cơ thể.

Mặc dù ăn da cá là cách dễ dàng và ngon miệng để bổ sung chất dinh dưỡng, nhưng với một số loại cá, chẳng hạn như cá ngừ, cá thu, da chúng có vị tanh khó ăn hơn một số loại cá khác.

Để giúp ăn da cá dễ dàng hơn, hãy thử tìm một phương pháp chế biến mà bạn yêu thích, ví dụ nướng hoặc áp chảo cá để da giòn hơn. Sử dụng dầu ô liu khi chiên cá là một lựa chọn tốt vì dầu ô liu chứa chất chống oxy hóa và tác dụng chống viêm. Tránh luộc và hấp cá vì điều này có thể làm da bị nhão.

Theo THANH THANH (VTC News)