Biết sống vì mình…
Cách đây hai năm, khi nhắc tới Corona, mọi người sẽ nghĩ ngay đến chiếc vương miện trong tiếng Ý hay tên của một loại bia xuất xứ từ Mexico. Nhưng giờ đây, Corona đã trở thành một cái tên quen thuộc, tên gọi chung trên toàn cầu dành cho một chủng virus đáng sợ làm xoay chuyển cả thế giới.
Đến thời điểm hiện tại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nước ta, gây ra những hệ lụy không nhỏ cả về vật chất lẫn con người dù chưa thể thống kê hết bằng các con số. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, góc nhìn tích cực hơn, dịch bệnh này có thể tác động đến một số mặt của từng cá nhân, từng gia đình, thậm chí cả cộng đồng. Khi “cơn bão” COVID-19 xuất hiện, càn quét mọi thứ nó đi qua, một cuộc sống mới được thiết lập lại. Đây chính là cơ hội khiến nhiều người nhìn lại quan niệm sống trước đây cùa mình và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Một trong những vấn đề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 chính là kinh tế. Nếu như trước đây nhiều người có quan niệm sống làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, kiếm tiền là để hưởng thụ, tiêu xài hoang phí. Thì giờ đây, sau khi dịch COVID-19 xuất hiện, thu nhập của nhiều người bị giảm xuống hay thậm chí thất nghiệp, không có tiền tiết kiệm trang trải những lúc khó khăn như vậy mới khiến nhiều người nhìn nhận lại chính mình.
Trước dịch, gia đình chị T.Hà (1984, Vĩnh Phúc) vốn là dân buôn bán nên cuộc sống luôn dư dả. Có những ngày lãi bao nhiêu tiền hàng là tiêu hết ngày đó, thích ăn gì thì ăn, thích mua gì thì mua mà cũng không thấy tiếc, thậm chí không cần thiết nhưng chỉ cần thích là mua. Thế nhưng, khi mùa dịch ập đến chị T.Hà mới thấm thía cái cảnh cuộc sống bỗng trở nên khó khăn vì trước đó nhà chị không có thói quen tích lũy.
“Những tháng dịch vừa qua là những ngày khó khăn nhất với gia đình tôi. Trước đây làm ăn được, tiêu bao nhiêu cũng không tiếc, hồi dịch ở nhà không xoay xở làm ăn được gì, mà việc gì cũng phải tiêu đến tiền. Lúc đấy mới hiểu ra là nếu không biết lo xa, dành dụm thì rất khó để trang trải như những ngày đã qua. Sau dịch, tôi và gia đình đã thay đổi cách sống rất nhiều, cái gì không cần thiết thì không mua, bữa ăn cũng được tôi tính toán sao cho vừa vặn, đủ chất mà không mất nhiều tiền như trước. Giờ tiết kiệm, tích lũy tiền bạc là phương châm sống của tôi!”, chị T.Hà tâm sự.
Quả thật, sau “cơn bão” COVID-19, nhiều gia đình đã thay đổi quan niệm sống của mình, họ bắt đầu sống tối giản hơn, tiết kiệm, dành dụm để lo xa hơn cho những ngày sau. Bởi cuộc sống thì đâu ai biết trước được điều gì! Đến giờ cũng chưa ai có thể khẳng định được thời điểm nào sẽ hết được dịch.
Cũng nhờ COVID-19 mà nhiều người đã nhận ra rằng tiền bạc, công việc, thú vui, tất cả đều xếp sau sức khỏe. Anh Đ.Long (1969, Hà Nội), là một người thành đạt trên con đường kinh doanh, với quan niệm phải thành công trong cuộc sống, anh luôn dành rất nhiều thời gian cho công việc của mình. Có những ngày anh chỉ ăn một bữa, thường xuyên đi nhậu để ngoại giao, ngủ chỉ 4 tiếng một ngày vì “tham công tiếc việc”.
Đến khi nghỉ dịch, nhận được tin nhiều người quen tử vong vì mắc COVID-19 dù mới chỉ tầm tuổi như mình mới khiến anh sững người. “Khi nhận tin bạn bè, đối tác mất vì COVID-19 do có bệnh nền đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Lúc đó tôi tự hỏi làm việc quần quật, kiếm ra thật nhiều tiền có ý nghĩa gì không khi sức khỏe không có. Vợ tôi đã nhiều lần nhắc nhở tôi về chuyện giữ sức khỏe, nhưng tôi coi thường nó mà chỉ tập trung cho sự nghiệp. Giờ tôi đã nhận ra sức khỏe là quan trọng nhất” - anh Đ.Long chia sẻ.
Ai cũng biết sức khỏe là số một, sức khỏe quan trọng nhất nhưng không phải ai cũng thực sự quan tâm và dành thời gian cho nó. Chỉ khi trải qua đợt dịch vừa rồi, chứng kiến sự ra đi đột ngột của nhiều người, họ mới thật sự biết trân quý sức khỏe của mình. Giống như lời của tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: “Sức khỏe là số 1, sự nghiệp, gia đình, danh tiếng, sự giàu có... là những số 0 đằng sau”.
“Chỉ sống một lần trên đời, hãy chơi khi còn có thể” là quan niệm hiện đang tồn tại rất nhiều, nhất là ở giới trẻ. Có những người ngày nào cũng phải ra ngoài đi đây đi đó mới chịu được, có thể đi chơi từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya. Họ thích la cà, ăn uống, nhậu nhẹt, đi bar, đi pub thâu đêm suốt sáng. Họ lãng phí rất nhiều thời gian vào vui chơi, chưa kể còn không tiết kiệm về tài chính và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Thế nhưng, sau những ngày ở nhà dài đằng đẵng vì cách ly xã hội, nhiều người chọn lui về tĩnh lặng, không còn hứng thú với việc ra ngoài đi chơi, đi café hay nhậu nhẹt bù khú với bạn bè. Dịch COVID-19 gần như đã hạn chế tối đa số người tụ tập nhất là những dịch vụ như bar, hát karaoke,… Những ngày ở một mình họ nhận ra rằng dành nhiều thời gian cho chính bản thân và những điều quan trọng có ích hơn là những cuộc vui rồi sẽ đến lúc tàn.
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi quan niệm sống của nhiều người theo chiều hướng tốt hơn. Không chỉ có các bạn trẻ mà nhiều người trưởng thành cũng chia sẻ rằng nhờ đại dịch COVID-19 mà bản thân đã thay đổi nhiều. Từ nhận thức, tư duy về cuộc sống cho tới lối sống hằng ngày, mọi thứ đều thay đổi theo chiều hướng rất tích cực. Điều mà có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian mới đạt được, nhưng họ đã làm được nó ở thời điểm này.
… và sống vì người!
Một trong những điều thay đổi lớn nhất trong quan niệm sống của toàn xã hội trong đại dịch COVID-19. Có lẽ chính là sự tự tế, sẻ chia, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Dễ nhận thấy nhất, có lẽ chính là việc gắn kết tình cảm gia đình. Trong thời đại 4.0, công nghệ càng hiện đại thì con người càng xa cách. Không còn xa lạ với hình ảnh, sau một ngày dài cả gia đình mới tụ họp đầy đủ ở mâm cơm nhưng mỗi người ai cũng cầm chiếc điện thoại. Với nhiều người, trong quan niệm sống của họ gia đình không được coi là ưu tiên và đôi khi họ quên mất gia đình quan trọng đến nhường nào.
Bạn H.Trang (2000, Hưng Yên) chia sẻ: “Em vốn là một người khi ở ngoài thì rất hoạt bát, năng nổ nhưng cứ về nhà là em lại lầm lì, ít nói chỉ khóa mình trong phòng. Chắc rất lâu rồi em và bố mẹ không nói chuyện với nhau quá ba câu. Thời gian đầu giãn cách xã hội, các thành viên trong gia đình đều có cảm giác khác lạ nhưng rồi niềm vui, tình cảm gia đình đã trở nên khăng khít khi mọi người được ở bên nhau nhiều hơn. Em cũng dần mở lòng với bố mẹ và hiểu là bố mẹ thương yêu em nhường nào”…
Đây là một trong vô vàn trường hợp về sự gắn kết gia đình trong mùa dịch COVID-19. Khách quan mà nói, do dịch nên làm việc, học tập ở nhà mang lại nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính khoảng thời gian đó cũng đã giúp cho các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn, con cái hiểu thêm về công việc của bố mẹ; cha mẹ quan tâm, gần gũi con hơn; vợ chồng đặt mình vào địa vị của nhau và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mỗi người dường như có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình.
Bên cạnh tình cảm gia đình, nghĩa tình đồng bào cũng giống như hạt giống được ươm mầm khắp nơi, giờ đã có dịp trổ lộc khi dịch COVID-19 xuất hiện. Không còn quan niệm sống chỉ biết nghĩ cho bản thân, sống ích kỷ. Xuyên suốt mùa dịch là những câu chuyện đẹp về tình người, về một xã hội tử tế đang đùm bọc, yêu thương lẫn nhau.
Nhớ lại những ngày TP HCM ở trong tâm dịch, nguy hiểm bủa vây, khó khăn, thiếu thốn cả về người và của. Lúc đó, khắp các tỉnh thành trên cả nước đã không quản ngày đêm chi viện để hỗ trợ TP HCM. Có những người, chỉ nghe tình hình qua báo đài nhưng cũng sẵn sàng đóng góp lương thực, đồ dùng thiết yếu cho người dân trong đó. Người làm việc to, việc nhỏ nhưng ai cũng đồng lòng cùng TP HCM vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không ở đâu xa, sự tử tế, sẻ chia còn xuất hiện ngay với những người xung quanh mình. Đôi khi những điều tốt đẹp không chỉ là vật chất mà quý giá hơn cả chính là những giá trị về tinh thần. Có thể chỉ là vài ba mớ rau giúp đỡ hàng xóm, dăm ba cái bánh cho các em nhỏ hay đơn giản là một vài câu hỏi thăm lẫn nhau. Chỉ có vậy thôi mà sao lại ấm lòng đến lạ. Những lúc khó khăn sát cánh bên nhau như vậy mới thêm hiểu và trân quý tình làng, nghĩa xóm của người Việt.
Không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã đem lại những mất mát, đau thương không thể xóa nhòa. Nhưng trong nghịch cảnh, dịch COVID-19 làm người ta trưởng thành hơn, là cơ hội để mọi người nhìn nhận lại bản thân, về những điều cần thay đổi để trở nên tốt hơn trong mỗi ngày chúng ta bước tới…
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam