Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử!

01/09/2023 - 06:16

Năm 1927, trong cuốn “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Với quan điểm chủ đạo đó, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay Nhân dân. Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, Nhân dân bị cai trị bởi bộ máy của thực dân và triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám không chỉ đánh đổ ách thống trị thực dân, giành độc lập dân tộc, mà còn đập tan chế độ quân chủ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Để xây dựng Nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa, ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc tiến Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thành công. Theo đó, Chính phủ ban hành và thực hiện sắc lệnh về tổ chức HĐND và UBND hành chính các cấp. Để đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh, quy định quan trọng, như: Bảo vệ quyền tự do cá nhân, chế độ tự do báo chí, chế độ tự do lập hội…

Đặc biệt, ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp - bản Hiến pháp dân chủ tiến bộ nhất ở khu vực Đông Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do…”. Những quan điểm cơ bản của Nhà nước mới - Nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa được hiến định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ nhất); “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra Nhân dân phúc quyết” (Điều thứ 32)… Như vậy, sau hàng ngàn năm bị áp bức, bóc lột, Nhân dân ta đã thật sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính bản thân mình. Đây là cái quý báu nhất mà Nhân dân ta đã có được; là thành quả vĩ đại nhất của cách mạng!

Để bảo vệ thành quả đó, cách mạng phải luôn đề cao cảnh giác cả “thù trong - giặc ngoài”. Trước nhất là phải ra sức chống chủ nghĩa quan liêu - “kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta”. Mấy tháng sau ngày độc lập, Bác nhận thấy có “những điều không bình thường”. Tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Trong thư, Bác khẳng định nguyên nhân cách mạng thành công là “Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo”, “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người chỉ dạy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân...”, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Người phê phán những “lầm lỗi rất nặng nề” làm cho người dân oán thán, như: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”, “Hủ hóa - ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ… Thậm chí, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”, “Tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…”, “Kiêu ngạo - tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên...”. Với tư cách là người khai sinh ra chế độ mới, đứng đầu Nhà nước, Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ”. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…”.

Kế thừa và phát huy những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta phải cùng ra sức phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân trên tinh thần “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, nhằm tiếp tục tạo ra những thay đổi cực kỳ to lớn.

TRUNG THÀNH