Nặng trĩu những lá đơn
Thường, khi tìm đến Tòa soạn Báo An Giang, câu đầu tiên bạn đọc thốt lên với cán bộ trực là “Hiện giờ, chỉ còn biết trông chờ vào báo chí lên tiếng giúp”. Thế nên, họ trút hết nỗi lòng, kể lại tất cả bức xúc, khó khăn đang gặp phải. Hiểu được tâm trạng ấy, cán bộ trực thường nhẹ nhàng hướng dẫn họ làm tường trình, nêu rõ nội dung cần Báo An Giang xác minh, phản ánh, gửi kèm các giấy tờ có liên quan… Đồng thời, trao đổi rõ với họ rằng, báo chí chỉ có thể tham gia phản ánh vụ việc một cách khách quan, nhiều chiều, không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc của họ. Tuy nhiên, việc phản ánh rộng rãi trên báo sẽ góp phần thúc đẩy mọi chuyện sớm ổn thỏa hơn. Hiểu được điều đó, họ chia tay chúng tôi trong niềm tin rằng “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”.
Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trao tiền hỗ trợ học sinh nghèo
Điều đáng lưu tâm là phân nửa số lượng đơn chúng tôi nhận được trong năm lại liên quan đến tranh chấp ranh đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, khiếu nại quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến đất đai của cơ quan chức năng, khiếu nại việc thi hành án… Tranh chấp ranh đất thường xảy ra giữa những người hàng xóm, có đất giáp ranh nhau; hoặc trong gia tộc, họ hàng, khi mảnh đất cha mẹ chia cho con cái thành nhiều phần nhỏ. Điển hình như câu chuyện của ông L.C.N và ông L.V.T (cùng ngụ xã Long Điền B, Chợ Mới). Hai bên gia đình là bà con chú bác với nhau. Phần đất này ông bà để lại qua nhiều đời, cả 2 đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000. Thế nhưng, một hôm, giữa họ phát sinh tranh chấp, cho rằng đối phương lấn ranh. Tình cảm họ hàng sứt mẻ, chỉ còn trông chờ vào phán quyết của tòa án. Rồi hàng loạt câu chuyện tranh chấp đất giữa những người ruột thịt trong nhà, giữa họ tộc với nhau, giữa hàng xóm “tối lửa tắt đèn”…,mà ai cũng cho rằng, phần phải thuộc về mình. Mỗi lần đi tìm hiểu vụ việc, nghe các bên trình bày, ý kiến của chính quyền địa phương, ngành chức năng… các phóng viên phụ trách công tác bạn đọc rất nặng lòng. Trong những câu chuyện ấy, tình cảm đã bị xếp sau lợi ích về vật chất, cái tôi của người trong cuộc. Họ không muốn giảng hòa vì “bên kia cứ làm tới”. Rõ ràng, dù kết thúc thế nào, người trong cuộc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chi phí theo đuổi vụ việc, thời gian bỏ ra, công cán “đáo tụng đình”, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình… đều bị hao tổn. Những bài viết liên quan mảng đề tài này vẫn phải được đăng tải theo chức năng, nhiệm vụ của tờ báo. Thế nhưng, mỗi trường hợp được phản ánh, đối với chúng tôi, là một câu chuyện rất buồn.
Phóng viên Báo An Giang ghi nhận niềm vui của một người dân khi được cất nhà Đại đoàn kết
Quá trình chậm trả lời đơn thư, chậm giải quyết vụ việc theo đơn thư bạn đọc từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, đều khiến công tác bạn đọc bị ảnh hưởng lớn. Bài viết đăng tải trên báo không thể phiến diện, một chiều, mà cần ý kiến nhận định, giải đáp của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người am hiểu luật pháp. Tuy nhiên, không ít trường hợp, phiếu chuyển của Báo An Giang đến cơ quan thẩm quyền rơi vào tình trạng “bặt vô âm tín”. Bài viết đã đăng tải, ngành chức năng hứa hẹn sẽ giải quyết sớm, nhưng vài tháng sau, bạn đọc lại cho biết “chưa có diễn biến mới”. Điều này làm đội ngũ cán bộ, phóng viên phụ trách công tác bạn đọc rất day dứt, phải nỗ lực theo dõi, tiếp tục nhắc nhở cơ quan chức năng sớm giải quyết, trả lời.
“Biệt đội phản ứng nhanh”
Đó là cách chúng tôi tự nhận vui về mình. Công tác bạn đọc phụ thuộc rất lớn vào… bạn đọc, nên thường xảy ra thay đổi bất ngờ. Đăng ký đề tài theo nội dung đơn thư bạn đọc, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại khác. Ngoài việc gặp trục trặc trong quá trình xác minh (không hẹn được bạn đọc, cơ quan chức năng; vụ việc có tình huống phát sinh mới, phải chờ giải quyết…), trong năm, không ít lần phóng viên bỏ công sức lặn lội đến cơ sở, xác minh vụ việc, trao đổi với các bên, thu thập đủ tư liệu (thậm chí viết bài và bài đã được biên tập, lên Maquette), đùng một cái, bạn đọc rút đơn. Đơn cử là bài viết về trường hợp của bà L.T.L (ngụ xã Hòa An, Chợ Mới), phản ánh việc anh ruột rào bít lối đi vào nhà, do tranh chấp phần đất cha mẹ để lại. Bài đã được biên tập và lên Maquette để sáng hôm sau ra báo. Nhưng gần trưa, người nhà bà L. đến tòa soạn, xin được rút đơn. Việc bạn đọc rút đơn, chúng tôi rất sẵn lòng, vì điều đó chứng tỏ họ đã thông suốt, có thể tự giải quyết với nhau, không cần báo chí can thiệp. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là: bài đâu thay thế? Hôm ấy, lãnh đạo phòng phải phân công phóng viên viết bài “chữa cháy” để kịp xử lý. Việc đổi bài khi đã lên Maquette sẽ ảnh hưởng hàng loạt quy trình và tiến độ xuất bản báo. Tuy vậy, người làm báo chúng tôi không nề hà, quan trọng là đảm bảo quyền lợi chính đáng của bạn đọc, không để phát sinh tình trạng khiếu nại phức tạp trong người dân.
Lắng nghe, hướng dẫn bạn đọc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo
Chuyện tiếp bạn đọc cũng đem lại nhiều cái vui, khiến chúng tôi chưa bao giờ muốn rời xa công việc này. Có bạn đọc rất rụt rè khi mới tìm đến tòa soạn, sợ đôi dép lấm lem bùn đất sẽ làm bẩn phòng, uống ly trà nóng mà đôi tay run vì lạnh, đường xa. Nhưng khi được tiếp đón, trò chuyện ân cần, họ trở nên mạnh dạn, vui vẻ và quý mến cán bộ trực. Có bạn đọc thường xuyên lui tới, nay thì phản ánh chuyện bức xúc của mình, mai lại gửi dùm lá đơn cho người quen, xem tòa soạn là địa chỉ tin cậy để nhờ can thiệp. Có bạn đọc gắn bó với tòa soạn nhiều năm, sau các bài viết của phóng viên, bà được hỗ trợ giải quyết dứt điểm vụ việc của mình. Bởi vậy, bà chịu khó liên hệ qua điện thoại bàn, cán bộ trực nào tiếp nhận cũng đều nghe giọng nói quen thuộc: “Báo An Giang hả? Dì Năm nè con! Bây khỏe không? Bữa nào vô Tri Tôn ghé nhà dì Năm chơi nghe!”. Nhưng đôi khi, bạn đọc vì những bức xúc, buồn bực, hoặc không hài lòng nội dung trả lời của ngành chức năng đăng tải trên báo, mà lớn tiếng. Lúc này, cán bộ trực lại lắng nghe, mềm mỏng giải thích, hướng dẫn họ thực hiện các bước tiếp theo, giúp họ giải tỏa căng thẳng, tránh tạo điểm nóng trong khiếu kiện.
Một năm đã trôi qua, hàng trăm vụ việc được phản ánh từ đơn thư bạn đọc trên báo An Giang, mang lại đủ cung bậc cảm xúc dành cho người làm báo lẫn bạn đọc. Công việc nào cũng có khó khăn, vất vả riêng, nên chúng tôi tự nhủ lòng: năm mới phải nỗ lực hết sức, góp phần đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến gần người dân hơn, đồng thời truyền tải tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân đến Đảng và Nhà nước. Có được sự tin tưởng từ bạn đọc, tờ báo sẽ ngày càng phát triển, trong đó công tác bạn đọc chính là cầu nối quan trọng!
Ngoài nội dung nhờ xác minh, phản ánh tranh chấp đất và các vướng mắc dân sự, Báo An Giang còn nhận được nhiều đơn xin hỗ trợ giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn (HCKK). Năm 2017, thông qua việc phóng viên xác minh, viết bài đăng tải trên báo, bạn đọc gần xa chung tay đóng góp, hỗ trợ từng HCKK cụ thể và ủng hộ quỹ Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trên 400 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, 66 HCKK đã được giúp đỡ, 15 suất học bổng đến tay học sinh nghèo; ủng hộ các quỹ : Khuyến học, Đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, kết hợp cùng quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Báo An Giang tặng 1.000 phần quà Tết cho hộ nghèo, với tổng trị giá 500 triệu đồng
|
GIA KHÁNH