Mua, bán nông sản online, tại sao không?

20/09/2021 - 06:15

 - Không chỉ hữu ích trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc đi lại gặp khó khăn, mà về lâu dài, thương mại điện tử sẽ giúp kết nối nông sản trực tiếp giữa người bán - người mua. Giao dịch online giúp nông dân, hợp tác xã (HTX) tiếp cận công nghệ thông tin, yêu cầu của thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp hơn.

Mua bán trên sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu

Giải pháp thiết thực

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hàng hóa nông sản ùn ứ do vận chuyển khó khăn. Hỗ trợ kết nối và thương mại điện tử góp phần giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm, giảm bớt khó khăn ấy. Từ kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hàng ngàn combo nông sản của nông dân An Giang được cung ứng lên TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Thông qua trang web https://htx.cooplink.com.vn, một số HTX, tổ hợp tác của An Giang đã kết nối được khách hàng online.

Trong điều kiện giãn cách xã hội, hầu như chỉ có nhân viên của Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel (Viettel Post) được ưu tiên di chuyển, giao hàng thuận lợi. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua kết nối lên sàn Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và sàn Voso.vn (Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel), hàng trăm tấn nông sản của nông dân, HTX trong tỉnh đã được hỗ trợ tiêu thụ. Hình thức thực hiện là nông dân, HTX đăng ký điểm bán hàng, đăng thông tin sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử này. Khi có khách đặt hàng thì tiến hành đóng gói; nhân viên bưu điện, Viettel Post đến tận nơi lấy hàng để giao.

Thấy được lợi ích của hình thức giao dịch dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Mục đích của kế hoạch là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ chức hợp tác (gọi chung là hộ sản xuất nông nghiệp) đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Thông qua kế hoạch, tỉnh hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp ổn định giá nông sản cho người dân, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt...

Hướng đến nông nghiệp số

Thương mại điện tử không chỉ là mua bán nông sản online, mà thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số, UBND tỉnh An Giang mong muốn cung cấp thông tin hữu ích cho hộ sản xuất nông nghiệp, như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản; thông tin thời tiết, mùa vụ, giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y, thuốc thủy sản…

Đồng thời, lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có thương hiệu, uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn An Giang.

Thông qua hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp, như: hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn; hướng dẫn đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến và thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối, mua bán trên sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử sẽ nâng cao tỷ lệ dân số sử dụng Internet, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Khi các hộ sản xuất nông nghiệp tăng cường giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử, sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế nông thôn. Các sàn thương mại điện tử tham gia kế hoạch của tỉnh, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giao dịch mua, bán online, gồm: sàn Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam); sàn voso.vn (Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel); sàn Sanphamangiang.com (do Sở Công thương An Giang quản lý); sàn Sanocop.vn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT) cùng các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác. Bên cạnh 2 doanh nghiệp bưu chính lớn (Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel), tùy vào điều kiện thực tế và lượng hàng hóa, tỉnh có thể vận động các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát khác tham gia.

Để triển khai kế hoạch đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử.

Nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, An Giang sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Đồng thời, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế trên nền tảng thương mại điện tử.


NGÔ CHUẨN