1. Hơn bốn giờ rưỡi chiều, bãi diều dưới chân cầu Thủ Thiêm (quận 2 TPHCM) xôm tụ hẳn, nào người lớn, con nít và cả mấy cặp đôi yêu nhau cũng đầy, mạnh ai nấy đổ ra bãi thả, căng dây, căng diều. Những con diều lớn, nhỏ đủ loại, đủ màu sắc, hình dáng chủ yếu mô phỏng theo những nhân vật hoạt hình, hay phim ảnh đang ăn khách, nhưng nhiều nhất vẫn là những kiểu diều quen thuộc như diều phượng hoàng, đại bàng, bươm bướm, cá mập…
Gió lên khá mạnh, những con diều khác đã lên cao, người thả chỉ việc ngồi nhìn, giữ và thi thoảng điều chỉnh dây diều để không vướng vào diều người khác và diều không băng. Con diều của anh Đức (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) vẫn còn loay hoay dưới đất, con diều chao qua, chao lại rồi té nhào xuống đất đến năm lần bảy lượt...
Diều được bán xung quanh các bãi thả với giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng/con
Chuyện là anh thanh niên ngoài 30 này đi thả diều cùng bạn gái và cậu em trai, xung quanh bãi thả diều cũng không thiếu những cặp đôi vừa thả diều, vừa tình tứ cùng nhau, nên phải chứng tỏ con diều của mình bự nhất, oách nhất thì mới sang. Con diều phượng hoàng cỡ đại, gắn thêm hai bên cánh là 2 bộ đèn chớp tắt và bộ phát nhạc ở giữa, đi kèm là 3 bộ pin để đèn và nhạc hoạt động.
Con diều nặng trịch, nên gió lên khá mạnh mà vẫn chưa thể cất cánh. Đèn chớp tắt liên tục, tiếng nhạc vẫn réo rắt nhưng con diều hết chao qua, chao lại thì tiếp đất chứ chưa chịu bay lên.
Cũng không mấy ai quá quan tâm hay để ý cái đèn, tiếng nhạc kia, bởi trời vẫn còn nắng, còn tiếng nhạc thu sẵn chỉ cần bật nút thì phát, không có gì đặc sắc. Phải di chuyển vị trí cả thảy 3 lần, sau nhiều lần tiếp đất có lẽ vì va chạm khá mạnh nên chỗ phát nhạc tắt hẳn, không còn réo rắt được nữa.
Trời gần nhá nhem tối thì con diều bay lên cao được chút, cũng là lúc người thả diều đã về gần hết, một vài người hiếu kỳ nán lại nhìn con diều bay lên với mấy cái đèn chớp nhoáng xanh đỏ rồi cũng vội vã chạy xe về.
2. Chuyện thả diều tưởng chừng chỉ là câu chuyện vui chơi của trẻ con, nhưng thực ra bãi diều con nít đôi khi còn ít hơn người lớn. Con nít trong nhà đi thả diều thì người lớn phải đi theo coi chừng, mấy cặp đôi yêu nhau cũng đi thả diều, người lớn cũng đi thả diều…
“Phải theo coi chừng tụi nhỏ mới an tâm, ngoài này đông người thả, nhiều khi diều vướng vào nhau rồi tụi nhỏ cãi cọ um sùm, với lại gió lớn nên mình theo coi chừng an toàn cho con chơi”, anh Nguyễn Minh Hoàng (35 tuổi, nhân viên lập trình ngụ quận 7) cho hay.
Cũng trông chừng cậu con trai học lớp 5 đang thả diều, chị Đặng Vương Anh (33 tuổi, ngụ quận 8) kể: “Nói đâu xa, mới mấy bữa trước thả diều lên cao quá rồi bị vướng vào nhau, không ai nhường ai nên băng hết 2 con diều, 2 ông cãi lộn um sùm, phải có dân phòng ra can luôn đó chớ. Người lớn mà còn vậy, thì tụi nhỏ mình bỏ cho nó đi một mình đâu có yên tâm được”.
Mùa diều nơi đô thị cũng mang lại cho người thị thành nhiều cảm xúc, người thích khoe cứ phải sắm diều thật to, rồi gắn đầy phụ kiện cho sang, còn đám trẻ con háo hức trông chờ cái trò chơi ít tốn kém nhưng không phải mùa nào cũng chơi được như game có sẵn trong điện thoại hay máy tính. Và với những người xa xứ, mùa diều như mang đến chút hồn quê giữa lòng thành phố.
“Ở dưới quê thì tuổi này có ai đi thả diều nữa đâu, còn trên này mọi người thích thì cứ ra bãi thả nên mình đi thả diều cũng không ngại. Bữa nào đi làm về ra trễ không kịp thả là tiếc lắm. Thấy người ta thả diều mình cũng nhớ quê, mùa này ruộng khô con nít hay rủ nhau ra ruộng thả diều”, anh Hoàng Khang (27 tuổi, quê Hậu Giang, hiện làm công nhân xây dựng tại quận 2) tâm sự.
Và nhiều bạn trẻ, trò thả diều không quá xa lạ, nhưng lại là lần đầu được cầm dây, căng diều. “Nhỏ tới lớn em coi tivi cũng thấy người ta thả diều, nhưng mà đây là lần đầu tiên em đi thả diều luôn, loay hoay nãy giờ mà nó cũng chưa lên nhưng thấy vui lắm”, Gia Anh (22 tuổi, ngụ quận 6) nói.
Đi cùng Gia Anh, Tấn Tài (24 tuổi, ngụ quận 5) cũng hào hứng không kém: “Lúc nhỏ em cũng có thả diều chỗ gần nhà, bây giờ chỗ đó thành cao ốc rồi, mấy nay nghe tụi bạn chỉ bên này có chỗ thả diều nên chạy qua chơi cho vui. Ở thành phố còn chỗ để thả diều vầy cũng hay, chứ đi ăn uống rồi dạo mấy trung tâm thương mại thì đi nhiều rồi, cũng chán”.
3. “Em mua đồ ăn với nước thêm đi, anh ra chỗ này gió mạnh hơn”. “Lựa chỗ nào ít nắng chút nha”… Đôi bạn trẻ đi thả diều cùng nhau, nhưng cô gái có vẻ không hào hứng lắm, không quan tâm và cũng không biết phải thả thế nào thì thì diều mới bay lên được. Mua đồ ăn vặt xong thì nhóp nhép ngon lành, đi thả diều cũng như thể đổi địa điểm ăn vặt, thỉnh thoảng ngước lên nhìn con diều bay cao tới đâu, rồi bắt đầu màn selfie, tới lúc chán thì về.
“Tụi em cũng đi chơi, trà sữa hay cà phê nhiều rồi, mấy nay thấy người ta đi thả diều nhiều nên cũng tranh thủ ra bãi thả cho vui”, Tuấn. A (19 tuổi, ngụ quận 5) cho biết.
Bên cạnh đôi bạn trẻ đám con nít nhí nhố, thi nhau làm “diều thủ” coi diều đứa nào bay cao hơn. Đám trẻ cười cười, nói nói với nhau nhưng hơi tách biệt so với nhiều nhóm thả diều khác trong bãi. “Sao mấy đứa không xích vô trong chút cho đỡ nắng?”.
Thằng bé cao nhất nhóm nhanh miệng: “Thôi, trong đó người lớn không, tụi em thả không lại, với lại sợ vướng dây”. “Còn bên kia tụi nó khoe diều lắm chị ơi, tụi nó mua diều bự rồi gắn đèn, gắn nhạc đủ thứ, có con nó gắn thêm đuôi dài kéo ra bãi thôi đã vướng tùm lum rồi”, Thành Thái (học sinh lớp 5, ngụ quận 8) nói.
Nếu ngày xưa, chỉ trông chờ những tờ giấy kiếng xanh đỏ gói cây bánh in, hộp trà hay chồng báo cũ của ba má ở nhà để dán con diều cho đẹp, thì hôm nay chỉ vài chục ngàn đồng đã mua được con diều to tướng. Những tưởng chuyện thả diều sẽ vui hơn khi bớt được phần ngồi chuốt nan tre làm diều mà có khi xước tay chảy máu, nhưng hóa ra lại buồn.
Cũng vì nhiều lựa chọn quá mà bọn trẻ cũng bắt đầu so đo, hơn thua nhau khi mang diều ra bãi. Và cũng không biết từ khi nào mà cái trò thả diều của con nít trở nên nặng nề, cánh diều vốn mộc mạc, nhẹ tênh để lượn cùng gió thì nay lại phù phiếm bởi những thứ công nghệ nặng trịch mà gió lên năm lần, bảy lượt cũng chưa bay nổi.
Theo KIM LOAN (Sài Gòn Giải Phóng)