Mùa giẫy măng rừng

01/08/2023 - 07:00

 - Trở lại núi Phú Cường (xã An Nông, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) những ngày mưa lất phất, tôi chợt nhớ đến thứ đặc sản đã trở thành nguồn sống cho lao động nông nhàn vào mùa mưa: Măng le. Mang sẵn vị ngon đặc trưng, cộng với bàn tay chế biến của con người, chúng trở thành món ngon khó cưỡng vùng Bảy Núi.

Những cơn mưa đi qua, để lại triền dốc xanh um trên núi Phú Cường. Thi thoảng, vẫn bắt gặp cây bằng lăng rừng trổ bông muộn, điểm xuyết sắc hồng vào bức tranh bạt ngàn, xanh mát của non cao. Dưới mảng xanh to lớn đó, măng le -  đặc sản của núi Phú Cường - cũng bước vào mùa thu hoạch.

Ghé lại quán cóc ven đường, hỏi thăm về loại măng này, tôi được ông Đoàn Văn Bơ (ấp Phú Cường, xã An Nông) nhiệt tình hướng dẫn: “Đất núi Phú Cường mùa khô cằn cỗi lắm! Tới giữa mùa nắng, trên núi chỉ còn mỗi chìa gai, vì cây rụng sạch lá. Chỉ có cây le là còn giữ được màu xanh. Loại này sức sống mạnh, mùa khô vẫn lên măng như thường, dù số lượng ít. Sang mùa mưa, măng xuất hiện nhiều. Nếu không xắn kịp thì bụi le sẽ thùm lùm khi mùa mưa hết. Bởi vậy, nhiều người dân ở đây xem chuyện giẫy măng le như kế mưu sinh vì nguồn thu khá”.

Đi giẫy măng le

Trong câu chuyện của lão nông gắn bó gần hết đời người với núi Phú Cường, đã từng có thời cây le mọc sát vách nhà người dân. Muốn ăn măng, họ ra sau hè chốc lát là có rổ măng đầy. Hồi ấy, cây le nhiều đến mức người ta cảm thấy thừa mứa, mụt măng chẳng thể bán cho ai. Do đó, cây le vốn đã nhiều lại càng nhiều thêm, bởi chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện giẫy măng.

“Măng le ngon đáo để. Thời tôi còn nhỏ, cứ ăn cơm với măng le suốt. Má tôi bữa thì xào mỡ, bữa thì luộc chấm muối ớt. Măng le không có độc tính, không đắng nên rất dễ ăn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy món ăn này ngon, chế biến đủ thứ món: Khi thì kho thịt, hầm thịt, khi thì nấu lẩu… Chúng có giá khá cao. Hôm trước, tôi mua của mấy người lên núi giẫy đem xuống 30.000 đồng/kg, nếu vô rộ mùa chắc giá sẽ giảm bớt” - ông Bơ nhớ lại.

Hiện nay, mật độ dân cư càng đông, nên cây le đã thu hẹp “giang sơn” lên triền núi, cách lộ giao thông hàng trăm mét dốc. Chỉ có những người sống với nghề giẫy măng le mới bỏ thời gian đi tìm chúng. Gần 20 năm rong ruổi khắp các vạt rừng của núi Phú Cường, anh Nguyễn Văn Mừng hiểu rất rõ về giống tre rừng này. Điều anh ấn tượng nhất chính là sức sống mãnh liệt của chúng.

“Cây le hay lắm! Mình giẫy măng bữa trước, hôm sau lại có mụt khác trồi lên. Dân địa phương chỉ lấy măng vào mùa mưa, nên tháng nắng mụt măng vẫn kịp lớn thành cây, phát triển xanh tốt khắp núi rừng. Nói thiệt, nghề này vất vả, bởi chuyện đi rừng chưa bao giờ đơn giản. Tuy cực mà có nguồn thu, nên tôi ráng bươn chải để lo cho sấp nhỏ. Cuộc sống khó khăn, giẫy được bao nhiêu măng tôi đem bán hết, không dám để lại ăn. Nhờ phẩm chất ngon nên măng le dễ bán, giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập mấy tháng mùa mưa” - anh Mừng thật tình.

Măng le mang đến nguồn thu cho người dân

Đã có lần lên núi giẫy măng với anh Mừng, tôi hiểu khá rõ nỗi vất vả của nghề “đi lấy lộc trời” này. Đường lên núi Phú Cường hoang sơ, toàn dốc ngược. Những nơi có cây le phát triển, mặt đất trơn láng sau trận mưa già. Vì là tre rừng nên bụi le đầy gai nhọn. Nếu không khéo, có thể chảy máu như chơi. Điều khó nhất chính là độ thấp của cây le. Chúng sà sát xuống đất, muốn đi qua phải cúi người xuống, có khi phải bò. Để đến chỗ lấy được nhiều măng, phải đi chừng 1 giờ đồng hồ.

Măng le có kích thước nhỏ, nên anh Mừng phải giẫy bằng mác. Anh cẩn thận từng động tác một, để mụt măng trông đẹp mắt, dễ bán. Còn nhớ, khi đó tôi vừa gạt mồ hôi, vừa đập muỗi, vừa bấm máy ảnh. Muỗi ở núi Phú Cường vào mùa mưa nhiều vô kể, khiến dân đồng bằng như tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Đi một chuyến với anh Mừng, tôi mới hiểu được nỗi vất vả của người chọn mưu sinh cùng núi rừng. Để có được “lộc của trời”, họ phải đổ mồ hôi, cất công lặn lội và đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Hiện nay, anh Mừng chưa vội đi lấy măng, bởi công việc đồng áng còn ngổn ngang, anh có thể làm thuê với nguồn thu khá. Giờ chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chịu khó lên rừng tìm măng, bán giá cao lúc đầu mùa. Anh Mừng dự định, sang tháng 7 (âm lịch) sẽ lên núi lúc rộ mùa. Khi đó, giá rẻ chút, nhưng số lượng măng nhiều, cả nhà anh vẫn có nguồn thu đủ trang trải cuộc sống.

Dù là loại tre rừng trên núi Phú Cường, nhưng cây le đã dâng cho đời loại đặc sản được kết tinh từ nắng, từ mưa của vùng Bảy Núi. Bởi thế, nếu có dịp, bạn hãy thưởng thức loại măng rừng này, cảm nhận vị ngọt của núi, hiểu thêm về một phần giá trị ẩm thực của vùng đất bán sơn dã.

THANH TIẾN