Đa dạng các sản phẩm cá khô từ làm nhỏ lẻ đến sản xuất - kinh doanh quy mô
Không chỉ có những hộ chế biến cá khô theo công thức “nhà làm”, ghé qua những cơ sở sản xuất số lượng lớn để kinh doanh, càng cảm nhận rõ không khí “vô mùa” tất bật. Ngược lên vùng đầu nguồn, nơi tập trung những vựa khô có tiếng, nhìn từ trước nhà, sau hè, đến cả trên nóc nhà, đủ loại cá khô phơi đầy ắp mà muốn “no” con mắt. Thịt cá được sơ chế kỹ, xả cắt đường đẹp mắt, cuối cùng ướp gia vị. Theo thị hiếu của người tiêu dùng, có loại khô rắc thêm tiêu cay lấm tấm, có loại ướp thêm ớt bột đỏ au, xếp gọn gàng theo hàng lối, tỏa mùi mặn mòi khắp xóm. Bàn tay điêu luyện của các lao động làm cá thoăn thoắt, từ đánh vảy, cắt vây, ướp đá… đến quy trình ướp đem phơi, đòi hỏi tốc độ và chính xác.
Nhờ nghề làm cá khô, anh Trần Văn Đức (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) sau thời gian bôn ba ngược xuôi đã quyết định trở lại quê nhà, phát triển kinh tế ổn định. Anh Đức cho biết, ở đầu nguồn, gần biên giới rất thuận lợi mua bán nên nhiều hộ tận dụng nguồn lợi phát triển nghề làm cá khô. Hơn 10 năm, từ bán nhỏ lẻ ở chợ, sản phẩm cá khô các loại của cơ sở anh Đức sản xuất dần chinh phục thị trường, phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Cơ sở hiện có 10 đại lý khắp các tỉnh, đồng thời hợp đồng cung cấp nguyên liệu với các hộ nuôi trong vùng, tỉnh lân cận để ngoài nguồn cá tự nhiên luôn đảm bảo sản xuất đều trong năm. Để tăng tính cạnh tranh, anh Đức sẵn sàng làm đơn hàng riêng lẻ theo yêu cầu của khách hàng, đa dạng loại cá khô vừa ngon, vừa đậm đà hương vị; phơi theo loại 1 nắng, 2 nắng... Anh còn tích cực học hỏi để bán hàng qua mạng xã hội, mỗi ngày đạt hơn 100kg.
Ở xã Tân An (TX. Tân Châu), cơ sở sản xuất khô Quốc Cường cũng vào mùa cao điểm tăng sản lượng. Các sản phẩm khô hiện được tiêu thụ ở khu vực ĐBSCL, kể cả “xuất ngoại” theo đơn hàng cho khách lẻ. Bình quân 1 tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường 1 tấn cá khô các loại, cao điểm có thể lên đến 2 - 3 tấn. Anh Cường cho biết, thói quen ngày xưa cho cá “ăn” muối càng nhiều sẽ giữ được càng lâu. Công thức duy nhất là ướp muối, không có thêm đường, bột ngọt như bây giờ. Tuy nhiên, khẩu vị người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi và điều kiện bảo quản cũng tốt hơn, có thể giữ được cá phơi 1 nắng, 2 nắng, 3 nắng… khi đóng gói kỹ lưỡng, vận chuyển xa đều thuận tiện. Những loại cá nhỏ sau sơ chế sẽ được xếp thành vỉ tròn để đẹp hơn và dễ sử dụng. Do đó, người làm khô đã gia giảm các loại gia vị theo nhu cầu của khách, độ mặn vừa phải, thịt cá còn độ mềm dẻo dễ ăn. Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ mạnh, cơ sở sẽ tăng thêm lao động để sản xuất kịp tiến độ thị trường.
Phần lớn các hộ làm cá khô để kinh doanh được truyền nghề lâu đời từ ông bà, cha mẹ. Bắt nhịp với điều kiện hiện đại, hầu hết cơ sở đầu tư máy móc, tủ đông, đóng gói, dán nhãn chỉn chu và đăng ký đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá khô là món ăn tiện lợi, dễ chế biến và có thể biến tấu ra nhiều món ngon để “giải ngán” trong dịp Tết. Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất là khô cá chạch, cá tra phồng, cá lóc, cá sặc bổi phơi nhiều nắng. Ngoài ra, các loại cá khô ngon còn được đóng gói theo quy cách riêng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, phù hợp làm quà tặng, nên sức tiêu thụ từ thời điểm này đã tăng cao. Nhờ đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm, các cơ sở còn giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Tranh thủ trong mùa nước nổi khai thác dồi dào lượng cá, người dân làm nghề sản xuất cá khô có trữ lượng lớn để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cao điểm cuối năm. Mùa làm cá khô càng thêm rộn ràng khi thời điểm này, những cơ sở quy mô đã tăng thêm nguồn lao động, đầu tư thêm máy móc, đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng dịp Tết. |
MỸ HẠNH