Năm 2023 giảm mạnh chỉ tiêu khối ngành sư phạm

19/06/2023 - 08:51

Năm 2023, nhiều trường ĐH bị giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên (sư phạm). Trong đó, có những trường chỉ tiêu bị cắt giảm phân nửa so với năm trước đó.

Do đó, thí sinh xét tuyển vào khối ngành sư phạm (SP) sẽ có sự cạnh tranh cao hơn trong năm nay.

Cắt giảm hàng ngàn chỉ tiêu

Trong số các lĩnh vực, đào tạo giáo viên (GV) là khối ngành duy nhất Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh từng năm căn cứ trên năng lực đào tạo của trường và nhu cầu thực tế của xã hội. Năm 2023, chỉ tiêu khối ngành này của nhiều trường theo phân bổ của Bộ giảm mạnh so với dự kiến các trường công bố.

Chẳng hạn, Trường ĐH SP Hà Nội 2 được giao 919 chỉ tiêu khối ngành SP. So với thông tin các ngành này mà trường công bố đầu tháng 4, giảm hơn 1.700 chỉ tiêu. Trong đó, ngành giảm chỉ tiêu nhiều nhất là SP hóa học, từ 563 xuống còn 20. Nhiều ngành khác cũng bị giảm hơn một nửa như: SP toán học, SP lịch sử, SP vật lý… Ngoài ra, trường được duyệt mở hai ngành mới đào tạo GV dạy tích hợp cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng chỉ tiêu được duyệt chỉ bằng 1/4 so với dự kiến. Cụ thể, ngành SP khoa học tự nhiên được duyệt 60 trong khi dự kiến tuyển 200 chỉ tiêu, SP lịch sử - địa lý được duyệt 66 trong khi trường dự định tuyển 260 chỉ tiêu.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay NGỌC DƯƠNG 

Nhiều trường ĐH khác cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, Trường ĐH SP Hà Nội dự kiến tuyển hơn 3.000 chỉ tiêu các ngành SP nhưng chỉ được giao khoảng 2.400. Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ được giao 540 chỉ tiêu, giảm trên 50% so với dự kiến 1.100 của trường. Trong đó, các ngành chỉ tiêu tuyển đều từ 20 đến dưới 100 chỉ tiêu. Riêng ngành SP toán học chỉ tiêu dự kiến 190 nhưng chỉ được duyệt 35.

Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố trong đề án ngày 10.5, dự kiến tuyển gần 600 chỉ tiêu nhưng chỉ được Bộ phê duyệt 510 chỉ tiêu. Đáng chú ý, trường phải dừng tuyển sinh 3 ngành, gồm: SP vật lý, SP hóa học và giáo dục chính trị. Hai ngành dự kiến mở phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được cấp chỉ tiêu, gồm: SP khoa học tự nhiên và SP lịch sử - địa lý.

Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết trường chưa nắm được nguyên nhân bị dừng tuyển sinh đột ngột các ngành trên. Hiện nhà trường đã phản ánh lên ĐH Quốc gia TP.HCM để có công văn kiến nghị với Bộ GD-ĐT. Riêng với hai ngành mới, trường dự kiến tuyển sinh mỗi ngành 30 chỉ tiêu.

Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT còn công bố danh sách 16 trường ĐH và CĐ không được giao chỉ tiêu đào tạo các ngành SP năm nay. Cụ thể, các trường trực thuộc những địa phương đã có văn bản đề nghị không có nhu cầu đào tạo GV, đã sáp nhập với cơ sở giáo dục khác, hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu.

Giáo viên dạy tích hợp môn sử, địa lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường sư phạm đang đào tạo giáo viên tích hợp phục vụ cho chương trình giáo dục mới.ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngành nào được tuyển sinh nhiều năm nay ?

Giai đoạn 2022 - 2026, ngành giáo dục được Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế GV. Riêng năm học vừa qua, các địa phương được tuyển bổ sung 27.850 GV mầm non, phổ thông công lập. Nhưng thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy đến tháng 11.2022, gần 40 địa phương không đặt hàng đào tạo GV. 11 trong 16 trường CĐ SP không được giao chỉ tiêu năm tới cũng vì lý do này.

Như vậy, có thể nói việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các trường và các ngành đào tạo GV bám khá sát nhu cầu thực tế của xã hội. Những trường và ngành học được phân bổ nhiều chỉ tiêu đồng nghĩa với nhu cầu thực tế cao, cơ hội việc làm sau khi ra trường lớn.

Vậy, những ngành nào đang có nhu cầu tuyển lớn trong năm 2023?

Năm nay, Trường ĐH SP TP.HCM được giao tuyển 1.710 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo GV. Trong đó, chỉ tiêu nhiều nhất giao cho ngành giáo dục tiểu học có 320 chỉ tiêu. Các ngành giáo dục mầm non, SP khoa học tự nhiên, SP lịch sử - địa lý tuyển 200 chỉ tiêu mỗi ngành. Tiếp theo đó, ngành SP tiếng Anh được tuyển 150 chỉ tiêu, SP toán học tuyển 110. Ngược lại, một số ngành có số lượng tuyển mới khá khiêm tốn chỉ khoảng 20 thí sinh như giáo dục đặc biệt, giáo dục công dân, SP công nghệ, SP hóa học...

Năm 2023, Trường ĐH Sài Gòn được duyệt tuyển 940 chỉ tiêu cho 15 ngành SP. Trong đó, nhu cầu tuyển lớn nhất vẫn là giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non 180 chỉ tiêu, SP tiếng Anh 150. Các ngành còn lại chỉ tiêu tuyển từ 20 - 50, trong đó ngành SP hóa thấp nhất với 20 chỉ tiêu. Các ngành giáo dục tiểu học, mầm non cũng thuộc nhóm được tuyển sinh nhiều ở các trường địa phương khác như: Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Hồng Đức…

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết năm nay trường được giao 318 chỉ tiêu đào tạo SP, tăng thêm 13 so với năm ngoái. Số chỉ tiêu tăng này rải đều cho các ngành đào tạo GV khoa học cơ bản như lý, hóa, sinh, văn, sử và giáo dục tiểu học. Ông Duy cho biết thêm, sau 3 năm thực hiện theo Nghị định 116, chỉ có Ninh Thuận đặt hàng cho trường 17 chỉ tiêu năm 2021.

Trường ĐH Đồng Tháp cũng tuyển sinh 18 ngành đào tạo GV. Trong đó, một số ngành chỉ tiêu tuyển khá lớn như giáo dục tiểu học hơn 600 chỉ tiêu, giáo dục mầm non hơn 300 chỉ tiêu, SP tiếng Anh hơn 220 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, hai ngành đào tạo GV tích hợp cũng tuyển hàng trăm chỉ tiêu như: SP khoa học tự nhiên dự kiến tuyển 384 chỉ tiêu, SP lịch sử - địa lý tuyển 247 chỉ tiêu. Tiến sĩ Cao Dao Thép, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là những ngành có nhu cầu GV nhiều hơn các ngành khác. Hiện nhà trường cũng đã nhận được đặt hàng của Long An với 150 chỉ tiêu đào tạo SP. 

Quy định xác định chỉ tiêu sư phạm

Theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên SP, UBND tỉnh thành rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo GV từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 31.1 hằng năm.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng GV theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo GV, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo để thực hiện tuyển sinh.

Sinh viên SP được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo GV nơi theo học, đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Theo Thanh Niên