Nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học nghề

14/08/2018 - 07:01

 - Hiện nay, tâm lý chung của xã hội, phụ huynh còn nặng tư tưởng trọng bằng cấp; công tác phân luồng học sinh (HS) chưa hiệu quả… nên việc học nghề vẫn chưa được xem trọng. Để “tự cứu” mình, các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo, cùng các cam kết việc làm khi tốt nghiệp, từng bước đáp ứng thị trường lao động (LĐ)…

Thay đổi nhận thức

Một thực trạng đã và đang diễn ra là nhiều HS, sinh viên (SV) cho rằng, học nghề chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa chọn được trường như mong muốn. Việc chọn nghề chủ yếu do phụ huynh quyết định, không theo sở thích, năng lực bản thân các em, cũng như không theo nhu cầu thực tế từ thị trường LĐ, mà lại theo xu hướng tâm lý đám đông… Vì lẽ đó, các trường nghề phải chú trọng công tác hướng nghiệp ngay cả trong quá trình học để động viên người học gắn bó với nghề. Thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) An Giang luôn làm mới, tổ chức đa dạng công tác tư vấn hướng nghiệp.

Theo chị Nguyễn Thị Bích Hạnh- Phó trưởng Phòng Đào tạo (Trường CĐN An Giang), trường thành lập tổ công tác tư vấn tuyển sinh đi đến các trường THPT, THCS để tư vấn, giới thiệu các ngành, nghề đang đào tạo. Ngoài các đối tượng được tư vấn là HS ở các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, trường còn mở rộng ở các đối tượng bỏ học từ lớp 10, 11, 12, LĐ chưa có việc làm. Riêng với các em HS lớp 9 còn mời gia đình tham gia nhằm thay đổi tư duy, cách chọn nghề cho các bậc phụ huynh.

Không dừng lại ở đó, năm nay, Trường CĐN An Giang còn tổ chức hội thảo hướng nghiệp dành riêng cho các giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT; Tổ chức ngày hội “Một ngày làm công nhân” cho HS các trường THCS trải nghiệm thực tế, tham quan trường để có định hướng lựa chọn nghề nghiệp; phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện lọc thông tin HS không trúng tuyển vào lớp 10, gửi giấy mời nhập học, trong đó có đầy đủ thông tin các nghề trường đang tuyển sinh, thông tin miễn học phí...

Nâng cao chất lượng đào tạo

Sau thời gian chuyển đổi sang tên mới, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang (Chợ Mới) đã từng bước mở rộng quy mô, địa bàn tuyển sinh, ngành nghề cũng từ đó cũng đa dạng hơn.

Theo thầy Ngô Hữu Lễ - Hiệu trưởng nhà trường, tính đến thời điểm này, 150 chỉ tiêu tuyển sinh ở các ngành, nghề bậc học trung cấp của Trường xem như hoàn thành và chuẩn bị khai giảng chào mừng năm học mới. Với việc tập trung mạnh vào nghề trọng điểm, cũng như đáp ứng được nhu cầu LĐ của doanh nghiệp, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nghề của tỉnh.

“Điểm mới là các học viên học theo tín chỉ nên đáp ứng mọi người học và tuyển sinh xuyên suốt trong năm. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhà trường tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho các ngành nghề thế mạnh của địa phương, đào tạo đội ngũ giáo viên lành nghề” - thầy Lễ thông tin.

Trong quá trình đào tạo, trường cũng đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho HS hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được học nghề, như: chỗ ở, học phí, học bổng, hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp khi học viên có nhu cầu…

Tỷ lệ HS, SV học tập và có việc làm sau khi tốt nghiệp tại Trường CĐN An Giang trung bình trên 90%, trong đó cao nhất là các nghề thuộc khoa: Cơ khí chế tạo máy, Điện, Cơ khí động lực cả bậc trung cấp và cao đẳng. Theo chị Hạnh, với việc thành lập riêng Phòng Đào tạo và Quan hệ doanh nghiệp, có nhiệm vụ làm đầu mối hợp tác với doanh nghiệp để giao dịch về nhu cầu việc làm, thường xuyên hỗ trợ tư vấn việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, việc kết nối HSSV tốt nghiệp với các nhà tuyển dụng tiềm năng thông qua các kênh thông tin tuyển dụng, chương trình gặp gỡ, hội thảo tư vấn việc làm và các kỹ năng mềm cho HSSV kết hợp với tuyển dụng… luôn được nhà trường thực hiện thường xuyên. Trong năm học 2018-2019, Trường còn nghiên cứu đưa vào thực hiện phương thức đào tạo hợp tác doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường trong phần hợp tác đào tạo tại doanh nghiệp và hỗ trợ một phần chi phí trong quá trình HS, SV tham gia học tập làm việc tại doanh nghiệp (đỡ đầu đào tạo). Khi đó, người học sẽ hứng thú và sẽ xác định rõ học xong có việc làm, có mức tiền lương tương xứng với trình độ đào tạo… tránh được tình trạng bỏ học và đảm bảo chất lượng đào tạo” - chị Hạnh thông tin.

ÁNH NGUYÊN