Trên cơ sở báo cáo được công bố, An Giang có 3 Chỉ số nội dung tăng điểm, 5 Chỉ số nội dung giảm điểm so năm 2023. Dù các chỉ tiêu của 8 Chỉ số nội dung không đạt yêu cầu theo kế hoạch năm 2024 đề ra, nhưng kết quả tổng quan Chỉ số PAPI của tỉnh đã có sự tiến bộ hơn so năm 2023. Về điểm số, nhóm cao nhất: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, quản trị môi trường. Nhóm trung bình thấp: Công khai, minh bạch, thủ tục hành chính (TTHC) công, cung ứng dịch vụ công. Nhóm thấp nhất: Tham gia của người dân ở cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân và quản trị điện tử.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ, các Chỉ số nội dung bị mất điểm, nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, gồm 3 Chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; quản trị điện tử. Cụ thể, đối với chỉ số tham gia người dân ở cơ sở, giảm điểm tập trung ở các nội dung thành phần: Tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng; biết về ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát việc thực hiện dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng ở địa phương (cơ quan chủ trì UBND cấp huyện).
Về trách nhiệm giải trình với người dân, nội dung thành phần bị giảm điểm, vẫn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất: Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân (cơ quan chủ trì Văn phòng UBND tỉnh). Về quản trị điện tử, giảm điểm tập trung các nội dung: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử còn rất thấp, là lý do dẫn tới nằm trong nhóm thấp nhất trong nhiều năm liền (cơ quan chủ trì Sở Thông tin và Truyền thông, nay là Sở Khoa học và Công nghệ).

Cung ứng dịch vụ công tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến giảm điểm do đơn vị khảo sát phỏng vấn trực tiếp người dân trả lời được chọn ngẫu nhiên. Thời lượng trung bình mỗi cuộc phỏng vấn 45 - 60 phút, qua trao đổi 1 đối 1 trực tiếp, với hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách, trên 8 chỉ số nội dung, 29 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính… Từ đó, người dân được chọn phỏng vấn gặp khó trong việc trả lời đơn vị khảo sát.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước (như: TTHC nội bộ còn rườm rà, phức tạp; công tác phối hợp chưa hiệu quả, dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc trong nội bộ cơ quan cũng như cho người dân, doanh nghiệp); lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhất là ở cơ sở chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Tình trạng giải quyết TTHC trễ hạn, nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC, nhất là ở lĩnh vực đất đai, xây dựng… vẫn còn diễn ra.
Để tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI thời gian tới, Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích, tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thiết thực, có sự tham vấn của chuyên gia về quản trị và hành chính công. Qua đó, duy trì, phát huy những Chỉ số nội dung tăng điểm, khắc phục, cải thiện Chỉ số nội dung giảm điểm của năm 2024 (nhất là chỉ số nội dung nằm trong nhóm thấp nhất).
UBMTTQVN tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, Chương trình PAPI của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhất là ở cơ sở. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính, trong kiểm tra, giám sát công chức thuộc thẩm quyền; quán triệt, triển khai việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức,viên chức.
Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện TTHC qua Cổng dịch vụ công quốc gia, làm quen với việc tra cứu, khai thác hồ sơ điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng. Đẩy mạnh triển khai giải pháp nâng Chỉ số PAPI; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Đổi mới, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả địa phương; nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sẵn sàng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.
HẠNH CHÂU