Nâng cao công tác quản lý vùng đất ngập nước

02/02/2023 - 14:46

Tỉnh Ninh Bình xác định vùng đất ngập nước giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, để bảo tồn, khai thác bền vững khu vực này cần nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với vùng đất ngập nước, trong đó việc triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cần được chú trọng thực hiện.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình). 

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng non nước hùng vĩ mà nơi đây còn là vùng đất ngập nước với sự đa dạng các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn.

Theo ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long, tỉnh Ninh Bình: “Trong thời gian qua, chúng tôi tích cực xây dựng lực lượng cộng đồng tham gia bảo vệ rừng với Ban quản lý, thành công của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có sự tham gia đóng góp rất lớn của cộng đồng. Đây là hướng đi bền vững trong tương lai. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển lực lượng cộng đồng ở mức cao hơn. Còn đối với công tác nghiên cứu khoa học và giám sát đa dạng sinh học thì chúng tôi thường xuyên kiểm tra, tuần tra, giám sát đa dạng sinh học tại đây.”

Khu bảo tồn được bao bọc bởi một hệ thống đá vôi rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp và thảm thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi, là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam.

Khu bảo tồn đã đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào". Với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng, con người nơi đây đã phát triển du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Trần Xuân Quang, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Trong những năm vừa qua, người dân đã có những cam kết thực hiện nội quy đặt ra, thứ nhất là giữ gìn cảnh quan bảo vệ môi trường, không chặt phá, săn bắn. Là người hưởng lợi từ khu bảo tồn, chúng tôi cố gắng giữ gìn để làm sao thu hút khách quốc tế, nội địa đến thăm quan.

Những năm qua, UBND huyện Gia Viễn và tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung tuyên truyền để người dân, cộng đồng nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn. UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong khu vực, không thực hiện di dân và lấy chính người dân làm hạt nhân nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững; đồng thời thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm.

Tính từ năm 2001 đến nay, đã có hơn 40 ha rừng được trồng mới tại Vân Long, trong đó 3 ha rừng là cây bản địa được trồng, khoanh nuôi để tăng cường thức ăn cho loài Voọc. Tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động thực vật, làm giá đỡ cho các loài chim sinh trưởng phát triển. UBND huyện đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế với một số tổ chức phi Chính phủ triển khai nhiều chương trình, đề tài, dự án khoa học về bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học ở Vân Long.

Để thực hiện bảo tồn các di sản tự nhiên, theo bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, trước hết tỉnh sẽ tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về bảo tồn thiên nhiên; người dân tự ý thức đưa ra giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan tự nhiên góp phần xây dựng cảnh quan thiên nhiên.

Ngoài ra, vấn đề quản lý và sử dụng, huyện đã giao cho xã đưa ra các giải pháp như giao cho các hộ dân về bảo vệ quản lý, thực hiện các tổ trông coi, bảo vệ rừng. Qua đó, giao trách nhiệm cho người dân,  kết nối với cộng đồng để chính người dân cùng chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã thực hiện tốt bảo tồn các di sản tự nhiên đồng thời phát triển du lịch bền vững.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước trong phát triển du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ninh Bình cũng đồng thời đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế, huy động các nguồn lực về tài chính để tăng cường công tác điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, đánh giá các hệ sinh thái, loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và nguồn gen bị suy thoái tại Khu Bảo tồn. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có những biện pháp cụ thể để bảo vệ, bảo tồn tính đa dạng sinh học vốn có của nơi đây.

Năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long trở thành khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và thứ 2.360 của thế giới. Để bảo tồn thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học ở nơi đây, những năm qua các cấp, các ngành và người dân đã tích cực bảo vệ, cải thiện môi trường sống của các loài động thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của khu vực này.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha, thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ sinh thái thực vật tại Vân Long có 722 loài, trong đó có 687 loài thực vật bậc cao và 35 loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó có 12 loài động vật quý hiếm. Những năm qua, để bảo tồn sự đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng; xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép.

Theo TTXVN

 

Liên kết hữu ích