Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Theo đó, Bắc Giang xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiềm năng (sản phẩm OCOP) có thế mạnh của tỉnh và từng địa phương.
Bắc Giang cũng tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, tỉnh quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng ở nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Bắc Giang tập trung phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, thiết kế mới, nâng cấp mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh đó, Bắc Giang hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, qua đó từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và mua, bán sản phẩm để đưa nông sản sạch vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh…
Trên cơ sở Danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng tỉnh Bắc Giang được phê duyệt tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá), 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; trong đó, có 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ. Một số sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như mỳ Chũ, mỳ Kế, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Mỹ, Australia, Singapore.
Tỉnh có 60 sản phẩm nông nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu bao gồm: 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 54 nhãn hiệu tập thể.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia, trưng bày, giới thiệu trên 100 lượt sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt trên thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Riêng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, rau củ quả đóng hộp... của Bắc Giang không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp và một số nước ASEAN.
Dự kiến đến hết năm 2023, tỉnh có 240 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở nên, có 1 sản phẩm điểm du lịch nông thôn du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven được công nhận và có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn, hiện đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.
Theo TTXVN