Xây dựng mô hình
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện 22 mô hình tham gia đề án với diện tích 1.117ha. Trong đó, 18 mô hình được thực hiện bằng nguồn vốn theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ngoài ra, còn có các mô hình khác được thực hiện theo một trong các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là 8.536ha/20.609ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch.
Các địa phương chủ động tham gia tốt đề án, gồm: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân và Châu Phú. Riêng Châu Phú được chọn làm điểm để tổ chức Ngày hội thu hoạch diện tích lúa tham gia đề án, tạo động lực thúc đẩy các địa phương trong tỉnh tham gia. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Lê Quốc Phong cho hay, thực hiện các khâu đột phá về phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, địa phương đã hình thành 10/14 vùng sản xuất tập trung, đạt 71,43% kế hoạch. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã phối hợp các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động nông dân tham gia đề án và đạt được những kết quả tích cực.
“Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện, sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, sự đồng hành của các doanh nghiệp và đặc biệt là ủng hộ của nông dân, trong vụ đông xuân 2024 - 2025, chúng tôi đã thực hiện 16 mô hình sản xuất lúa theo quy trình canh tác của đề án, với diện tích trên 250ha. Đến nay, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã vận động nông dân sản xuất lúa theo quy trình đề án được 2.753/2.483ha, đạt 110,88% so kế hoạch đề ra. Đây là thành quả đáng khích lệ, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có 22.983ha tham gia đề án trên toàn huyện” - ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã áp dụng cơ giới hóa trong quá trình tham gia đề án
Ông Lê Quốc Phong cũng xác định, UBND huyện Châu Phú sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác lúa đạt chuẩn theo đề án. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu gạo địa phương nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Thúc đẩy đề án
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp, năm 2025, An Giang phấn đấu có 44.051ha tham gia đề án, trên cơ sở diện tích vùng dự án VnSAT trước đây, các vùng thực hiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, các mô hình nhân rộng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp.
“Thuận lợi cơ bản là chúng tôi được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình triển khai, thực hiện đề án. Đồng thời, đã có một số các địa phương tham gia thực hiện dự án VnSAT, WB9 nên đã tạo đà để triển khai đề án trong năm 2025. Bên cạnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các sở, ngành tỉnh còn chủ động triển khai kịp thời các chính sách về đất trồng lúa, các kế hoạch sản xuất theo từng vụ, nhằm tạo cơ sở để các địa phương vận động nông dân tích cực tham gia đề án. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống khuyến nông cộng đồng đã giúp nông dân tự tin hơn khi tham gia đề án” - ông Trần Thanh Hiệp phân tích.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để đầu tư, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế; kiến thức, hiểu biết của nông dân về đề án chưa nhiều, bà con còn sản xuất theo tập quán cũ; năng lực đàm phán, kết nối, ký kết với doanh nghiệp thực hiện chuỗi ngành hàng lúa gạo của các HTX, THT còn hạn chế… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án trên toàn tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của đề án trong năm 2025 và những năm tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nông dân trên cơ sở chỉ rõ lợi ích của bà con khi tham gia đề án. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến nông trong việc kết nối, hướng dẫn HTX, THT thực hiện quy trình canh tác lúa chất lượng cao. Tích cực phổ biến kiến thức về thị trường, chuyển đổi số, hướng dẫn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tuyên truyền xây dựng các mô hình áp dụng triệt để quy trình sản xuất lúa theo đề án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành. Tập trung đầu tư, trang bị cho các HTX, THT áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất làm tiền đề thúc đẩy, nhân rộng mô hình theo kế hoạch đề ra. Hỗ trợ HTX, THT, nông dân tiếp cận các gói chính sách của Trung ương, của tỉnh. Trao đổi với các đơn vị tín dụng để triển khai các gói tín dụng phù hợp điều kiện, năng lực của HTX, THT nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện sản xuất lúa theo đề án...
MINH QUÂN