Nâng cao giá trị thương phẩm cho cây atiso đỏ

11/01/2020 - 14:20

Xây dựng vùng nguyên liệu cho cây atiso đỏ theo hướng hữu cơ nhằm thương mại các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây atiso đỏ, như: hoa tươi atiso đỏ, trà atiso đỏ nguyên hoa, atiso đỏ sấy dẻo, nước cốt atiso đỏ, anh Đặng Hoài Linh (sinh năm 1993, ấp Thanh Niên, thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) đã khởi nghiệp thành công với mong ước nâng giá trị cho loài cây vốn mộc mạc, bình dị mang tên atiso đỏ (Hibiscus) hay còn gọi là hoa bụp giấm.

Với niềm mơ ước tìm một sản phẩm để kinh doanh và cái duyên với cây atiso đỏ được hình thành, sau thời gian tìm hiểu trên báo, đài, internet, các tài liệu nghiên cứu về cây atiso đỏ, Hoài Linh bắt đầu khởi nghiệp với giống cây này. Thấy được những tiềm năng cùng với giá trị tuyệt vời từ những gì cây atiso đỏ mang lại, năm 2018 anh Hoài Linh quyết định chọn mô hình khởi nghiệp: xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây atiso đỏ tại An Giang. Đây là bước đi giúp anh thanh niên đam mê cây atiso đỏ phát triển vùng nguyên liệu atiso đỏ trên đất đồng bằng và thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ loài cây ấy. Mô hình chuỗi giá trị tạo nên một sản phẩm chất lượng, vì dễ dàng kiểm soát được nguyên liệu đầu vào và là yếu tố chính tạo nên giá trị sản phẩm, kiểm soát được chất lượng sản phẩm và  chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như điều tiết sản phẩm.

Anh Linh bên sản phẩm khởi nghiệp từ atiso đỏ

“Từ 6 công đất ruộng kém hiệu quả, tôi đã ươm mầm giống cây atiso đỏ. Song, vụ đầu tiên thu hoạch không được như mong muốn do ảnh hưởng của thời tiết. Nhưng người đời vẫn có câu “vạn sự khởi đầu nan”, nghĩ vậy tôi cố gắng, chăm chỉ làm tốt hơn những vụ tiếp theo bởi “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Được cái là cây atiso đỏ rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Trong quá trình canh tác, chỉ cần tưới nước đều đặn là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Do ít sâu bệnh nên sản phẩm sau khi thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù ít sâu bệnh nhưng tôi vẫn thường xuyên ra thăm vùng nguyên liệu để đánh giá khả năng phát triển, cũng như kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ. Bình quân mỗi cây cho năng suất từ 3-5kg bông” - anh Hoài Linh chia sẻ.

Từ hiệu quả ban đầu, anh Hoài Linh tiếp tục phát triển diện tích trồng vùng nguyên liệu từ 6 công rồi lên đến 3ha (có cả đất nhà và đất thuê). Cũng theo anh Linh, giống atiso đỏ anh đang trồng được lấy từ Bình Thuận, có nguồn gốc, xuất xứ từ Đức. Thị trường hiện có nhiều giống atiso đỏ nhưng theo kinh nghiệm của anh Linh, giống cây của Đức có sức sống rất khỏe, chịu được sâu bệnh, đặc biệt là sống tốt trên vùng đất khô cằn, ít nước. Cây từ lúc trồng đến 3 tháng là có hoa và 3 tháng sau là thu hoạch. Bông sau khi thu hoạch được anh sử dụng để chế biến trà hoặc atiso đỏ sấy dẻo, nước cốt atiso đỏ... Cũng theo anh Linh, để chế biến ra trà, hoa phải trải qua nhiều quy trình vô cùng tỉ mỉ. Đầu tiên, hoa sau khi hái được rửa sạch, để khô tự nhiên rồi đem vào lò sấy khoảng 6 tiếng, sau đó để nguội và đóng gói. Với khoảng 25kg hoa tươi, sau khi sấy thu được khoảng 1kg trà thành phẩm. Không chỉ có trà, những công đoạn chế biến thành phẩm khác từ atiso đỏ rất tỉ mỉ và công phu. Hầu hết các công thức chế biến đều do Hoài Linh thử nghiệm và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân. Vì thế, sản phẩm làm ra có hương vị rất đặc trưng.

Do đây là loại cây trồng mới nên mọi người chưa mạnh dạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm trà atiso mới xuất hiện gần đây, nên mọi người chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng cũng như tính dược của cây. Thời gian đầu, khi chào sản phẩm, anh Linh phải tư vấn những tính năng, công dụng của sản phẩm cho người dùng hiểu. Từ đó, sản phẩm được thị trường đón nhận, đầu ra ngày càng mở rộng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoa atiso đỏ có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống ô-xy hóa, đồng thời giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân… Ngoài tác dụng hạ huyết áp, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trà atiso đỏ có thể giúp giảm mỡ trong máu, đây là yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim. Ngoài chế biến thương phẩm từ hoa tươi, anh Linh còn thu hoạch lá già với hợp đồng tận Hàn Quốc.

Hiện, sản phẩm khởi nghiệp của chàng thanh niên trẻ này đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Với mức đầu tư trên 200 triệu đồng, anh Hoài Linh dự định mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết nông dân trong vùng mở rộng canh tác và bao tiêu sản phẩm. Với mô hình này, anh Hoài Linh đã đạt giải nhì trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III-2019” do Tỉnh đoàn tổ chức. Đó là tiền đề để người thanh niên trẻ tiếp tục phấn đấu, nuôi dưỡng đam mê nâng cao giá trị thương phẩm cho cây atiso đỏ.

PHƯƠNG LAN