Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

20/12/2021 - 05:48

 - Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân (CAND) giai đoạn 2021-2027” (gọi tắt là Đề án) đã được xây dựng, triển khai trên địa bàn tỉnh, kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật của quần chúng nhân dân tại các địa bàn cơ sở.

Tuyên truyền các quy định pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa

Đề án nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho đối tượng được PBGDPL; đưa công tác PBGDPL đối với các đối tượng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, Đề án hướng đến nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ CAND và hệ thống chính trị các cấp… Từ đó, góp phần tăng cường pháp chế XHCN, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác do thiếu hiểu biết pháp luật.

Sau khi Quyết định 1739/QĐ-TTg, ngày 18-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án, UBND tỉnh nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến năm 2027 cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định 1521/QĐ-TTg, ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận 80-KL/TW, ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện đề án, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị phối hợp xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện Đề án. Năm 2022, Công an tỉnh chủ trì, tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về pháp luật của các đối tượng; tổ chức điều tra, khảo sát công tác PBGDPL và nhu cầu PBGDPL của các nhóm đối tượng thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các quy định có liên quan đến công tác PBGDPL thuộc phạm vi của Đề án…

Yêu cầu được đặt ra là phải đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực. Nội dung tập trung và quyền và nghĩa vụ của công dân; quy định của pháp luật về an ninh trật tự (ANTT) (trong đó chú trọng tuyên truyền, PBGDPL về thi hành án hình sự tại cộng đồng); xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội; quản lý cư trú, căn cước công dân, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; tín ngưỡng, tôn giáo; đất đai; biên giới; quản lý xuất, nhập cảnh... ý thức tôn trọng pháp luật, bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…

Các cấp, ngành lựa chọn, áp dụng hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, lĩnh vực. Trong đó, cần tăng cường hình thức trực tiếp, tư vấn pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin, cấp phát tài liệu thiết yếu với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về ANTT, những vấn đề có liên quan bằng hình thức phù hợp; giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt với đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo để tư vấn, PBGDPL trực tiếp.

Ngoài ra, có thể thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; niêm yết thông tin tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, bệnh viện, khu dân cư, khu công nghiệp... Ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, mạng xã hội để công tác PBGDPL của lực lượng CAND bao quát được tất cả địa bàn, lĩnh vực có liên quan đến ANTT. Hàng năm, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; xây dựng, trang bị tủ sách pháp luật tại khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư... (đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống) từ nguồn ngân sách nhà nước và đóng góp của cộng đồng...

Để thực hiện Đề án hiệu quả, tỉnh khuyến khích, huy động sự tham gia của đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong PBGDPL, gắn với công tác vận động quần chúng nhân dân. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; các nội dung đề ra phải đảm bảo tính khả thi của Đề án, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, thiết thực; chú trọng lồng ghép, kết hợp với các chương trình, Đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG