Tập trẻ bơi sớm nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 8.257 em có hoàn cảnh đặc biệt (tăng 1.014 trẻ so với năm 2016, do Luật TE năm 2016 có thay đổi và bổ sung một số nhóm trẻ). Trong đó trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi 1.569 em, trẻ khuyết tật 2.850 em, trẻ nhiễm HIV/AIDS 224 em, trẻ bỏ học khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS 3.525 em, TE bị xâm hại tình dục 32 em, trẻ nghiện ma túy 8 em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật 39 em, trẻ bị ngược đãi, bạo lực 10 em. Tỷ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt được CS đạt 87,7%. TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 61.827 trẻ.
Tình trạng bạo lực TE những năm gần đây có xu hướng gia tăng, nhiều TE bị chính cha mẹ, người thân và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, có hành vi bạo lực TE. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại TE, đặc biệt là xâm hại tình dục TE ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục TE xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, tạo bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân phải kể đến một bộ phận cha mẹ, người CSTE phải lo mưu sinh kiếm sống, kiến thức, kỹ năng CS&BVTE còn hạn chế và chưa quan tâm đầy đủ về trách nhiệm CS, giáo dục và BVTE; thiếu kỹ năng phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (TE bị xâm hại tình dục, TE bị bóc lột, TE bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS). Bên cạnh đó, do mức hưởng thụ văn hóa đối với TE vùng nông thôn còn thấp so với khu vực thành thị, các điểm dịch vụ Internet, game online phát triển mạnh, các trang mạng xã hội dễ khai thác, sử dụng rộng rãi làm nảy sinh nhiều vấn liên quan đến TE như: bị dụ dỗ hút chích các chất gây nghiện, xâm hại tình dục, mua bán, bắt cóc làm gái mại dâm.
Trước tình hình trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện việc CS&BVTE ở 3 cấp độ. Đó là nâng cao năng lực các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và TE bằng cách tuyên truyền các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về CS&BVTE, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về công tác BV, CSTE, các kỹ năng BVTE, phòng tránh xâm hại tình dục TE, phòng tránh đuối nước TE, phòng tránh lao động sớm TE. Cấp độ 2 là đẩy mạnh công tác phòng ngừa, giảm thiểu TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt bằng cách xây dựng xã, phường phù hợp với TE, phòng chống tai nạn thương tích cho TE, phòng ngừa, giảm thiểu lao động sớm ở TE. Cấp độ 3 là quan tâm hơn nữa công tác BVTE có hoàn cảnh đặc biệt bằng cách tuyên tuyền sâu rộng về Tháng hành động vì TE, vận động các nguồn lực xã hội giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng các hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, tổ chức các sân chơi, tham quan, du lịch, các lớp bơi, kỹ năng thoát hiểm và phòng, chống bạo lực, xâm hại cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Với sự phát triển của công nghệ số, TE ngày càng năng động tham gia vào thế giới công nghệ. Đây là cơ hội cho nhiều đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ các em nhỏ. Do vậy, Tháng hành động vì TE năm 2018, ngành chức năng đã lựa chọn chủ để “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho TE trong thế giới công nghệ số”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của TE; đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại TE trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người CSTE và chính bản thân TE.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG