Trên thực tế, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Một bộ phận người tham gia giao thông chỉ chấp hành nghiêm khi thấy lực lượng chức năng. Còn không, họ sẵn sàng phóng nhanh vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường, uống rượu, bia say xỉn vẫn tham gia giao thông... Đáng chú ý, khi xảy ra va chạm, thay vì ứng xử với nhau có văn hóa lại giải quyết theo kiểu “giang hồ”, sẵn sàng đánh nhau chỉ vì va quẹt nhỏ. Đừng để câu nói “giá như…”, “phải chi…”, “biết vậy…” sau TNGT xảy ra. Do đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là việc làm thiết thực góp phần giảm TNGT, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân.
Người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Việt Cường nhìn nhận, dù các cơ quan chức năng và địa phương liên tục tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao sự hiểu biết cũng như trang bị kiến thức pháp luật về ATGT, nhưng không phải ai cũng nghiêm túc chấp hành. Rất nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra bắt nguồn từ sự thiếu ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, như: lái xe đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, không chấp hành tín hiệu giao thông… “Thời gian qua, Ban ATGT các cấp luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, nhằm nâng cao ý thức chấp hành về bảo đảm trật tự ATGT của người dân. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng thực hiện trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải thực hiện liên tục và sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, ngành” - ông Cường chia sẻ.
Trước thực trạng này, Ban ATGT tỉnh phối hợp các ngành, địa phương tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Đặc biệt, các ngành, đoàn thể phối hợp Công an các địa phương thường xuyền tổ chức đối thoại, tuyên truyền các chủ doanh nghiệp vận tải cam kết không giao xe cho người làm thuê lái xe vi phạm các quy định về trật tự ATGT (chở hàng quá tải, vi phạm nồng độ cồn). Ngành giáo dục và đào tạo, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, thông qua các buổi tọa đàm, diễn đàn, mít-tinh, lồng ghép qua các trò chơi hái hoa dân chủ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí kết hợp với giáo dục pháp luật về ATGT trong thanh, thiếu niên, học sinh, như: phong trào “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, xây dựng góc tuyên truyền ATGT tại các trường học…
Ông Lê Việt Cường đề nghị, để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, đi vào thực chất, Ban ATGT tỉnh cũng như các địa phương cần phối hợp các ban, ngành, đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền với sự đổi mới nội dung lẫn hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, hướng đến các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU