Nâng chất thỏa ước lao động tập thể

02/11/2023 - 06:12

 - Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động 02/CTr-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Chương trình hành động 08-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ công đoàn cơ sở doanh nghiệp (DN) trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc.

Làm việc với các doanh nghiệp về thỏa ước lao động tập thể

Toàn tỉnh An Giang hiện có 227 DN có tổ chức công đoàn. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều triển khai văn bản hướng dẫn về công tác đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể. Kết quả, có 215/227 đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 94,71%.

Đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã làm việc với 8 công đoàn cơ sở (CĐCS) DN có đông công nhân lao động để trao đổi, lắng nghe những khó khăn, đề xuất. Ghi nhận qua các buổi làm việc trực tiếp cho thấy, các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể còn nặng tính hình thức, trùng lắp nội dung đã được quy định tại nội quy lao động của công ty… mà chưa nhắc nhiều đến các khoản phúc lợi cụ thể cho người lao động (NLĐ).

Tổ hỗ trợ đã chỉ ra những điểm, điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật định để CĐCS nhận diện, có thể đề xuất, thương lượng với chủ sử dụng lao động đưa vào thỏa ước lao động tập thể, như: Tăng thời gian nghỉ ngơi từ 30 phút lên 40 phút (tăng 10 phút so với Luật Lao động); NLĐ kết hôn được nghỉ 4 ngày (tăng 1 ngày so với luật định); cha hoặc mẹ (2 bên chồng/vợ), vợ hoặc chồng, con qua đời thì được nghỉ 4 ngày (tăng 1 ngày so với luật định)…

Tổ còn hướng dẫn CĐCS cách thức đối thoại tại nơi làm việc, các bước tiến hành lấy ý kiến NLĐ để tiến hành thương lượng các nội dung có lợi theo nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NLĐ… phù hợp với đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh để NLĐ hiểu và nắm được các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, việc làm.

Qua trao đổi tại DN, tổ hỗ trợ còn kịp thời ghi nhận những cách làm hay, chăm lo tốt của CĐCS đã đề xuất ban giám đốc cùng thực hiện, mang lại lợi ích nhiều hơn cho NLĐ. Điển hình, Công ty Cổ phần Địa Ốc mua bảo hiểm kết hợp cho NLĐ; Công ty TNHH may mặc Lu An tăng giờ nghỉ giữa ca cao hơn luật quy định 30 phút và thưởng, tuyên dương gương lao động tiêu biểu, nhiệt tình trách nhiệm theo tháng, theo quý (khoảng 300.000 đồng/người), hỗ trợ xây dựng căn-tin phục vụ nhu cầu ăn uống cho NLĐ tại DN…

Bà Đỗ Thị Kim Yến (Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang) cho biết, trong quá trình chuẩn bị các nội dung đề xuất thương lượng với ban giám đốc công ty, CĐCS triển khai lấy ý kiến NLĐ về nội dung chuẩn bị thương lượng với hình thức trực tiếp trong hội nghị NLĐ hàng năm ở công ty.

Trong những nội dung có lợi hơn cho NLĐ, về tiền lương, thưởng, phụ cấp, nâng lương, hàng năm công ty đều rà soát và xây dựng thang, bảng lương; quy chế trả lương, thưởng và công khai cho NLĐ biết. Ngoài tiền lương, để động viên NLĐ gắn bó lâu dài với công ty, người sử dụng lao động thực hiện thêm chính sách hỗ trợ NLĐ, như: Hỗ trợ nhà ở lao động ngoài tỉnh, hỗ trợ xăng xe 400.000 đồng/tháng, tiền ăn 600.000 đồng/tháng.

Tại Công ty Cổ phần điện nước An Giang, công đoàn tham gia cùng ban giám đốc xây dựng các nội quy, quy định, quy chế về tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, khen thưởng, kỷ luật tại đơn vị. Bảo đảm mức lương của NLĐ không thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định; bảo đảm chế độ phụ cấp, bảo hiểm và các chế độ khác cho NLĐ theo quy định.

Chủ tịch CĐCS Phan Hữu Quốc Việt thông tin, do tính chất đặc thù công việc của công nhân kỹ thuật điện - nước, công nhân vận hành hệ thống cấp nước và bộ phận thu ngân phải thực hiện công tác trong các ngày lễ, tết và duy trì công việc thường xuyên kể cả ngày chủ nhật.

Tuy nhiên, ban chấp hành công đoàn đã kiến nghị với ban lãnh đạo công ty xem xét bố trí lực lượng thay thế nhằm giúp cho công nhân kỹ thuật điện - nước, công nhân vận hành hệ thống cấp nước và bộ phận thu ngân không những được nghỉ phép năm, việc riêng, nghỉ hưởng chế độ... theo quy định, mà còn được nghỉ thêm luân phiên tùy theo tình hình công việc để tái tạo sức lao động.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh An Giang Phan Thị Diễm, nhìn chung các bản thỏa ước lao động tập thể đều có nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Tiêu biểu như: Giảm thời gian làm việc, tiền lương tối thiểu cao hơn quy định của Chính phủ, hỗ trợ tiền xăng, tổ chức xe đưa rước công nhân, tăng tiền ăn giữa ca, trợ cấp hiếu hỷ, tặng quà sinh nhật, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tiền gửi con nhà trẻ… CĐCS đã đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng chất lượng bữa ăn ca theo mức quy định tại 4 DN. Kết quả này đạt 133,3% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, nâng tổng số toàn tỉnh có 100 DN hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ. Trong đó, có 98 DN hỗ trợ từ 15.000 - 30.000 đồng, chiếm tỷ lệ 98%.

MỸ HẠNH