Hàm lượng vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng. Từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Cam được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh.
Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate, vitamin B1, các chất dinh dưỡng khác giúp các hoạt động của hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, giúp cơ thể chống lại sự tấn công từ bên ngoài.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C cần thiết cho mỗi người phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi.
"Nước cam tốt cho sức khỏe với điều kiện dùng đúng lượng và đúng đối tượng", bác sĩ Vũ cho hay.
- Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 80 mg và tăng lên 120 mg khi bước vào giai đoạn cho con bú.
- Đối với trẻ em, chỉ nên cho trẻ ăn nửa quả cam mỗi ngày, kể cả khi bé rất muốn ăn cũng không nên cho ăn nhiều vì có thể xảy ra tình trạng dị ứng cam.
- Đối với nữ giới (từ 19 tuổi trở lên) cần bổ sung 75 mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 quả cam có đường kính khoảng 4 cm).
- Nam giới (từ 19 tuổi trở lên) cần phải bổ sung 90 mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 quả cam có đường kính 5 cm).
- Đối với người có thói quen hút thuốc lá, ngoài hàm lượng vitamin C cần thiết cơ bản, cần bổ sung thêm 35 mg vitamin C nữa bởi vì trong quá trình hút thuốc, các tế bào gốc tự do sẽ tăng lên.
Lưu ý dùng nước cam không gây hại sức khoẻ
Bác sĩ Vũ cho biết để đảm bảo sử dụng nước cam mang lại lợi ích tốt cho sức khoẻ chúng ta cần lưu ý:
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên dùng nước cam. Lý do là trong nước cam chứa axit (axit ascorbic - vitamin C), các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.
Không nên uống nước cam vào buổi tối vì có tác dụng lợi tiểu, gây tiểu đêm nhiều lần và khiến bạn mất ngủ. Đồng thời, vitamin C có trong cam cũng làm cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Không nên uống nước cam ngay trước hoặc sau khi uống sữa, do protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam gây ra đau bụng, tiêu chảy.
Một nghiên cứu của Nhật Bản khuyến cáo nên tránh uống nước cam quýt khi đang dùng thuốc, nên dùng trước hoặc sau đó từ 1-2 tiếng.