Nền tảng tư duy và hành động trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

20/01/2024 - 10:21

Bước sang năm mới, nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2023, chúng ta có thể thấy được những nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta. Mặc dù tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng nền kinh tế vẫn từng bước được phục hồi và phát triển.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.

Mức tăng trưởng 5,05% dù chưa đạt mục tiêu đề ra, song trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, thì đó là mức tăng trưởng đáng tự hào (cao gấp 1,5 lần so với mức tăng của kinh tế toàn cầu); thu nhập bình quân đầu người đạt 4.248 USD, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao; bảo đảm tốt an sinh xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân... Kết quả đó thể hiện ý chí tự lực, tự cường của Việt Nam, khẳng định vai trò, bản lĩnh lãnh đạo của Ðảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như niềm tin, sự đồng thuận của toàn thể nhân dân vào đường lối phát triển đất nước.

Qua cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xuất bản gần đây “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng”, chúng ta có thể thấy đường lối phát triển đất nước mà Ðại hội XIII xác định đã được triển khai, cụ thể hóa và quán triệt; trở thành nền tảng tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước.

38 bài viết, bài phát biểu được chọn lọc, đăng tải trong cuốn sách thể hiện quan điểm và định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung, cũng như của các lĩnh vực, các khu vực và các địa phương nói riêng. Trong mỗi bài viết đều thể hiện rõ tư tưởng sâu sắc và cái nhìn rất sát thực tiễn của người đứng đầu Ðảng ta đối với từng ngành, từng vùng, đồng thời thể hiện quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Các bài viết, bài phát biểu đã được các ngành, địa phương tổ chức học tập, quán triệt và làm căn cứ xây dựng chương trình hành động để từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển. Bám sát các chương trình hành động, hệ thống chính trị trong cả nước vào cuộc, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân là một khối đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao, tạo sức lan tỏa, hưởng ứng rộng khắp, biến nghị quyết thành hành động thực tiễn và đã mang lại hiệu quả tích cực và thiết thực.

Cụ thể như, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế gồm: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; vùng Ðông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Ðồng bằng sông Hồng. Trong mỗi nghị quyết đều nêu rõ đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù và chỉ ra những khâu đột phá cơ bản để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng.

Ðáng chú ý, tại các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ vì sao Bộ Chính trị phải bàn và ra nghị quyết mới về vùng kinh tế, nhất là chỉ ra những mặt còn hạn chế, những tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hợp lý, chưa được phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển vùng. Ðồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết, đồng thời chỉ ra chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện bằng được và có kết quả cụ thể, rõ rệt.

Mỗi bài phát biểu của Tổng Bí thư đã quán triệt rất sâu sắc từng nghị quyết, trở thành căn cứ quan trọng, kim chỉ nam để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành chương trình hành động, tiến hành điều chỉnh và ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, góp phần phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, khơi nguồn lực phát triển của mỗi địa phương trong vùng.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thấm nhuần tinh thần chỉ đạo qua các bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách, toàn Ðảng, toàn dân quyết tâm cao hơn, đoàn kết một lòng, tranh thủ mọi thời cơ, mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ; trong đó ghi nhớ, vận dụng có hiệu quả lời nhắc nhở và các bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư đã chỉ ra là: Chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”. Cả hệ thống chính trị cần đồng lòng, kiên quyết, kiên trì đổi mới, sáng tạo, phối hợp, kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII.

NGUYỄN VĂN BẢN (XÃ SƠN VI, HUYỆN LÂM THAO, TỈNH PHÚ THỌ)

Theo Nhân dân