Ngày nay, những hình ảnh mùa xuân luôn ngập tràn trước nhà, cửa hàng, trụ sở làm việc qua những vật liệu trang trí thiết kế sẵn trên thị trường. Việc tìm một bức vẽ trang trí mùa xuân bằng tay xem ra rất hiếm hoi trong nhịp sống hối hả. Vậy mà, đâu đó vẫn còn những người hoài cổ, yêu thiên nhiên qua từng nét vẽ mềm mại đã góp phần làm cho họa sĩ trụ được với nghề và giữ “lửa” với niềm đam mê nghệ thuật.
Chị Lê Uyên, chủ cửa hàng Windy Store (đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) bao năm nay vẫn giữ thói quen nhờ anh họa sĩ Tuệ Thức (tên thật Lê Công Thức) đến làm mới cửa hàng, mang mùa xuân, phong thủy cho cửa hàng chuyên bán vật phẩm phong thủy, thuốc ngâm từ thảo mộc. Một vài người hàng xóm thấy lạ đứng xem, khách qua đường thấy hiếu kỳ cũng ghé lại xem. Từng cánh mai vàng hiện lên qua nét cọ nguệch ngoạc như chơi mà nhìn tổng thể thật sống động làm cuốn hút bao người, làm họ yêu cầu họa sĩ xếp lịch ngay về vẽ cửa kính trước nhà.
Anh Tuệ Thức miệng tươi cười, tay không ngừng nét cọ nói: “Tôi lấy niềm vui trang trí hình ảnh xuân làm niềm vui ngày Tết. Còn điều gì tuyệt vời hơn đối với người họa sĩ khi những tác phẩm nghệ thuật của mình được nhiều người yêu thích đón nhận. Những bức tranh trên cửa kính tùy diện tích, đơn giản chỉ với nhành mai hay phức tạp hơn với hình ảnh trẻ vui xuân, múa lân, đốt pháo, có giá từ vài trăm nghìn đồng đến trên triệu đồng, giá rất bình dân, phù hợp túi tiền nên từ lúc làm nghề 5-6 năm nay khách hàng quen vẫn không quên mình”.
Nghề chính là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường THCS Vọng Đông (Thoại Sơn), khi rảnh rỗi hay vào mùa lễ, Tết, anh Tuệ Thức lại tranh thủ đi vẽ khắp nơi trong tỉnh để cải thiện thu nhập. Anh Thức chia sẻ: “Là người dạy mỹ thuật, điều cần thiết là vẽ thường xuyên trên mọi chất liệu. Từ đó, nét cọ mới trở nên thuần thục và mang tính sáng tạo. Chính việc vẽ trang trí giúp tôi có thêm thu nhập, giữ được niềm đam mê nghệ thuật và kiến thức thực tế, tiếp tục hướng dẫn các em trên bục giảng”.
Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề, anh Tuệ Thức nhận ra rằng người họa sĩ thật sự tài giỏi là người đáp ứng nhu cầu nghệ thuật của nhiều người. Sự góp ý của họ sẽ làm cho hình ảnh trên bức tường, mặt kính phẳng trở nên sống động, có hồn, chân thật từ mọi góc nhìn. Ngoài ra, bản thân người họa sĩ không ngừng học hỏi để tạo nên cách vẽ hiện đại, mới lạ, xen lẫn hình ảnh cổ điển, truyền thống.
Cạnh vỉa hè, trước cửa hàng tại số 1604 (đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên), họa sĩ Hoàng Phi đang miệt mài vẽ nên mùa xuân qua những bức tranh. Chính những gam màu tươi sáng vàng, xanh, đỏ đã làm bừng sáng các không gian trưng bày, mang mùa xuân vui tươi đến với những gia đình yêu nghệ thuật.
Với nét cọ mềm mại, nhúng vào các chất liệu của tranh sơn dầu, trên nền vải bố vẽ chuyên dụng, những khóm hoa, cảnh trí mùa xuân tại làng hoa Sa Đéc đã được tái hiện. Đâu đó hình ảnh thân quen nằm cạnh những con đường với cảnh mua bán tấp nập, chợ hoa xuân, chị em phụ nữ áo dài xúng xính chụp ảnh lưu niệm ngày xuân được thu nhỏ lại. Ngoài ra, anh Hoàng Phi còn vẽ nhiều tranh phong cảnh gần gũi với cảnh sắc và con người An Giang để khách hàng có thể treo quanh năm.
“Ngày nay, các loại tranh công nghiệp dần chiếm lĩnh thị trường với giá rất rẻ nhưng với người đam mê tranh nghệ thuật vẫn tìm các loại tranh sơn dầu truyền thống với những nét vẽ mềm mại, vẽ theo sở thích, ý tưởng cá nhân. Tôi đã mang phong cách vẽ được truyền từ người cha, với ước mơ sống được với nghề và mang cái đẹp đến với bao người không chỉ trong mùa xuân mà trong cả nhịp sống đời thường” - anh Hoàng Phi trải lòng.
Tuệ Thức với tranh trên kiếng cho khách gia đình.
Tranh nghệ thuật mùa xuân của Hoàng Phi
Bài, ảnh: TRÚC PHA