Ngăn chặn tiêu cực trong tích tụ đất nông nghiệp

07/09/2023 - 06:34

 - Cuối tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 (khóa XV), xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật. Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đề nghị Nhà nước có biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong tích tụ đất nông nghiệp.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung dự thảo luật vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Trung ương về quản lý và sử dụng đất, như thị trường quyền sử dụng đất (QSDĐ) và thỏa thuận đền bù khi thu hồi đất. Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đặt ra mục tiêu thị trường bất động sản, trong đó, thị trường QSDĐ trở thành kênh phân phối, phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả. Hiện nay, người có nhu cầu lại không tiếp cận được đất, hoặc giá chuyển nhượng quá cao. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: “Nghị quyết 18-NQ/TW tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp (DN) trong chuyển nhượng QSDĐ để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nhưng nếu chúng ta vận dụng và hiểu rằng để thỏa thuận sử dụng các đất khác kinh doanh, dự án nhà thương mại thì rất nguy hiểm. Tôi đề nghị chỉ cho phép các bên thỏa thuận thực hiện các dự án nhà ở thương mại, phù hợp với mục đích sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất”.

Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 bàn về Luật Đất đai

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan cho biết, Điều 192 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu 3 phương thức tập trung đất nông nghiệp. Trong đó, có chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê QSDĐ và hợp tác sản xuất - kinh doanh (SXKD) bằng QSDĐ. Điểm c, Khoản 2, Điều 192 quy định phương pháp đất nông nghiệp là hợp tác SXKD bằng QSDĐ. Qua đó, có thể hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh QSDĐ, hoặc trá hình buôn bán bất động sản nông nghiệp. Quy định trong dự thảo là lỏng lẻo, cần cụ thể hơn về biện pháp, điều kiện ràng buộc. Trong đó, cần thể hiện rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước, hạn mức tối đa, điều kiện cần thiết với chủ đầu tư dự án nông nghiệp trong quá trình tập trung đất nông nghiệp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy đề nghị, dự thảo quy định rõ hơn, theo hướng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch SXKD nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển QSDĐ trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy đầu tư sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Giải trình vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban nhận biết những nguy cơ này với tích tụ đất nông nghiệp, hiểu rõ quan ngại của ĐBQH. Dự thảo bổ sung quy định tổ chức muốn tích tụ đất nông nghiệp phải thành lập DN và phải có phương án SXKD, báo cáo UBND cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Kinh tế rà soát, có thêm yêu cầu phải có dự án đầu tư; bổ sung chế tài ngăn chặn việc tích tụ đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng đất, trục lợi.

 Về ý kiến xóa bỏ hạn điền của cơ quan quản lý, DN để người dân tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp, PGS.TS Trần Thị Minh Châu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hạn điền được quy định trong Luật Đất đai nhằm bảo vệ nông dân trực tiếp canh tác trong điều kiện bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp; các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chậm, thậm chí chưa thể thu hút hết lao động dư thừa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, hạn điền còn có lợi ích nhất định trong ngăn ngừa tình trạng người giàu mua đất không phải để kinh doanh, mà để tích trữ tài sản.

Hình thái mua đất này không những dẫn đến phân bổ nguồn lực không hiệu quả, mà còn dẫn đến bất bình đẳng ở nông thôn, ít nhiều khuyến khích nạn cho vay nặng lãi bằng cầm cố ruộng đất. So Luật Đất đai năm 2003, quy định hạn điền trong Luật Đất đai hiện hành mở rộng khá nhiều, nhất là phần diện tích chuyển nhượng, cho phép nông dân có được thu nhập trên mức nghèo nếu canh tác hợp lý. Số liệu về điều tra thu nhập, tích lũy ở nông thôn nước ta những năm qua cho thấy, ít hộ có khả năng tự tích lũy hoặc vay vốn để mua diện tích đất vượt hạn điền. Song mức hạn điền này đối với DN không thấm vào đâu, trở thành điểm cản DN đầu tư vào nông nghiệp.

Có kiến nghị cho rằng nên bỏ hạn điền. Trước hết, bỏ hạn điền sẽ cho phép DN nắm quyền sử dụng diện tích đất lớn để kinh doanh. Vấn đề hiệu quả kinh doanh khi tích tụ ruộng đất lớn tiếp tục được thảo luận.

N.R