Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Tính đến sáng ngày 21/10, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2022, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 20.800 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của Techcombank đạt 671.400 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu nhập hoạt động tăng 16,9% so với cùng kỳ, đạt 31.500 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 46,5%, tiếp tục dẫn đầu ngành. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt đến 15,7%.
Kết thúc quý III/2022, tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank ở mức 0,6%, thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165%.
Kế đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 19.800 tỷ đồng sau 9 tháng. Đáng chú ý, mức lợi nhuận này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm nước, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022, chủ yếu động lực đến từ mảng bán lẻ, chất lượng tài sản ổn định và các chỉ số an toàn được duy trì.
Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất đạt 45.000 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng lên tới 59,2%.
Hệ số CAR hợp nhất theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt xấp xỉ 15%. VPBank cho biết tại ngân hàng riêng lẻ, gần 90% khách hàng cơ cấu đang trả nợ đúng hạn. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Đứng thứ 3 và cũng là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất sau 9 tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.035 tỷ đồng, tăng tới 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
Tính đến hết tháng 9/2022, tổng tài sản của SHB đạt hơn 528.000 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380.000 tỷ đồng.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cụ thể, kết thúc 9 tháng, VIB đạt mốc lợi nhuận 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức 30%. Trong khi đó, tại TPBank, với 5.926 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận, tốc độ tăng trưởng của ngân hàng này đạt mức 35% so với cùng kỳ.
SeABank cũng tăng trưởng tới 58,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt lợi nhuận trước thuế 9 tháng hơn 4.016 tỷ đồng. Còn tại Sacombank, theo thông tin từ ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, tính đến hết quý III/2022, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) trong tối 20/10 vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy tiếp tục ghi nhận tăng trưởng nhưng một số chỉ tiêu của ngân hàng còn chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, lợi nhuận chỉ đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 55% kế hoạch năm 2022.
Tính đến hết quý III, tổng tài sản ABBank đạt 131.915 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 86.873 tỷ đồng, tăng 10,47% so với đầu năm. Huy động vốn từ khách hàng đạt 84.943 tỷ đồng, tăng 7,18% so với đầu năm.
CAR duy trì ở mức 11,8%, luôn ở trong nhóm các ngân hàng có mức an toàn vốn tốt và cao hơn so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,68%.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế lần lượt là 715 tỷ đồng, 387 tỷ đồng và 236 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 1,9%, 42% và 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
"Phong độ" có được duy trì?
Phía sau những con số tăng trưởng, không phải không có những áp lực khi dư địa tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm còn rất eo hẹp. Trong khi biên lãi ròng NIM (hệ số phản ánh chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) lại đang chịu áp lực đi xuống do lãi suất huy động có xu hướng tăng, đẩy chi phí huy động vốn lên cao hơn nhưng lãi vay khó bắt kịp nhịp tăng tương ứng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ABBank, NIM của ngân hàng trong quý III có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào tăng. Cùng với đó, tình trạng nợ xấu có nguy cơ gia tăng vào cuối năm 2022 đang khiến hoạt động của ngành ngân hàng chịu nhiều áp lực.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết, trong 3 tháng cuối năm, ABBank sẽ phải đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng được các ngân hàng lưu tâm. Như tại Techcombank, CASA tuy vẫn đứng đầu toàn ngành ở mức cao là 46,5%. Nhưng con số này cũng đã giảm nhẹ so với mức 47,5% hồi cuối quý II/2022.
Techcombank lý giải sự biến động trên là do bối cảnh chung toàn ngành, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.
Trên thực tế, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền số... từ đầu năm đến nay đã có phần chững lại nên thay vì giữ tiền trong tài khoản thanh toán để luân chuyển vốn thì các nhà đầu tư lại có xu hướng chuyển dần sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao. Dòng vốn rẻ giảm sút phần nào đang tác động lên thu nhập lãi thuần của các ngân hàng, nguồn thu chính cho lợi nhuận.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, tốc độ tăng trưởng của một số ngân hàng sẽ chậm lại trong quý cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân chính do NIM sụt giảm, lợi nhuận ngân hàng giảm tốc còn do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2023.
SSI dự báo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) chỉ tăng trưởng lợi nhuận ròng 19,3%, thấp hơn đáng kể mức tăng 92% và 100,6% của các năm 2020 và 2021. Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm nay dự báo chỉ 25,7% thay vì mức tăng 39% trong năm 2021.
Lợi nhuận Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) theo ước tính của SSI chỉ tăng 35,2%, trong khi năm trước tăng tới 53,6%. Còn VIB, lợi nhuận cũng chỉ được dự báo tăng gần 30% thay vì mức tăng hơn 42% và hơn 38% trong 2 năm trước.
Trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB và Vietcombank sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn, ít chịu áp lực hơn.
Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định để đạt được kế hoạch đề ra, các ngân hàng có thể phải cơ cấu lại vốn tín dụng, đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…, đồng thời, tăng thu ngoài lãi.
Agriseco Research kỳ vọng tập trung vào bán lẻ sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro và thị trường bán chéo bảo hiểm sôi động cũng sẽ là động lực quan trọng giúp thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, đa phần ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cải thiện trong năm nay. Trong đó, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm trước.
Theo LÊ PHƯƠNG (TTXVN)