Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN.
Dự thảo này bao gồm 5 chương, 22 điều, phạm vi điều chỉnh là giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có quan hệ giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước. Chỉ các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mới được tham gia giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư quy định, Ngân hàng Nhà nước giao dịch mua, bán Đồng Việt Nam và đôla Mỹ với tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp thực hiện giao dịch Đồng Việt Nam và loại ngoại tệ khác, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ. Tỷ giá mua, bán của từng loại hình giao dịch, giá mua quyền chọn mua, bán ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước quyết định và thông báo cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng bằng các loại hình giao dịch: Giao dịch ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn và các loại hình giao dịch khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ. Kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn tối đa là 365 ngày kể từ ngày giao dịch.
Thanh toán cho giao dịch ngoại tệ phải được thực hiện theo hướng dẫn thanh toán chuẩn do tổ chức tín dụng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp thanh toán chậm so với thỏa thuận giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, bên thanh toán chậm phải chịu phạt. Nếu bằng đồng ngoại tệ, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất do ngân hàng đại lý thanh toán của bên bị thanh toán chậm áp dụng trên tài khoản thanh toán chuẩn nhận ngoại tệ tại thời điểm phát sinh tính trên số tiền và số ngày chậm trả. Nếu bằng Đồng Việt Nam, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày chậm trả.
Tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) tình hình giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng khác theo quy định chế độ báo cáo hiện hành của Ngân hàng Nhà nước nếu không sử dụng hệ thống giao dịch của Refinitiv. Nếu sử dụng hệ thống giao dịch của Refinitiv, thực hiện báo cáo theo quy trình hướng dẫn báo cáo giao dịch ngoại tệ qua hệ thống giao dịch của Refinitiv do Ngân hàng Nhà nước ban hành: Báo cáo trong vòng 15 phút nếu giao dịch trên hệ thống và báo cáo trong vòng 45 phút nếu giao dịch ngoài hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng trong 3 tháng nếu tổ chức tín dụng gửi báo cáo không đúng thời hạn hoặc không đúng nội dung; không gửi báo cáo theo quy định từ 3 lần trở lên trong 1 quý.
Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, bị thu hẹp hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch ngoại hối theo kết luận, thông báo của Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) sẽ bị tạm ngừng giao dịch ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước hủy quan hệ giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng nếu tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; có những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng liên quan đến hoạt động ngoại hối theo kết luận, thông báo của Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Theo Ngân hàng Nhà nước, lý do phải ban hành Thông tư này là do khoản 3 Điều 18 Thông tư số 02 quy định: “Trong trường hợp thanh toán chậm… bên thanh toán chậm sẽ chịu mức phạt như sau: a) Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa 150% lãi suất LIBOR 01 tuần của đồng tiền thanh toán tại ngày phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày trả chậm.” Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh (FCA), lãi suất LIBOR tham chiếu nói trên chỉ được công bố đến hết năm 2021. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải nghiên cứu, điều chỉnh nội dung này.
Thông tư số 02 đã được ban hành và triển khai trong 8 năm qua và được sửa đổi bổ sung một số lần. Đến nay, nhiều nội dung tại Thông tư cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp với các văn bản liên quan được ban hành hoặc sửa đổi và để phù hợp với sự thay đổi của thị trường.
|
Theo THÚY HÀ (Vietnam+)