Ngân hàng truyền thống 'chuyển mình' theo số hoá

01/04/2021 - 15:05

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, nhiều ngân hàng truyền thống đã "chuyển mình", ứng dụng công nghệ để hình thành và phát triển ngân hàng số.

Sự “bùng nổ” của ngân hàng số

Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể thực hiện ở các chi nhánh ngân hàng truyền thống được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất, giúp khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch.

Bên cạnh đó, các hoạt động của ngân hàng như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng… cũng được số hóa để tiếp cận tới khách hàng một cách tiện lợi và nhanh chóng, hiệu quả nhất có thể.

Chú thích ảnh

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngân hàng số ra đời là một xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: T.M

Cách đây 5 năm, Timo liên kết với ngân hàng VPBank để khởi đầu cho việc số hóa ngân hàng này. Đến năm 2020, Timo thay đổi đối tác, liên kết hợp tác với Ngân hàng Bản Việt cho ra Timo Plus. Còn VPBank đã phát triển một nền tảng khác có tên Yolo. Ứng dụng ngân hàng số này đã được phát triển từ năm 2018 nhưng đến nay mới đầu tư mạnh mẽ.

Tiếp đến là Live Bank thuộc TPBank. Mức độ số hóa của ngân hàng này có nhiều ưu điểm đem đến sự trải nghiệm mới cho các tín đồ công nghệ ngân hàng. Nhất là dưới tác động của dịch COVID-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng đột biến.

Không muốn tụt hậu trong cuộc cạnh tranh này, năm 2017 ngân hàng MB đã xây dựng và phát triển ngân hàng số hóa MB Bank. Theo đó, MB Bank giúp khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch tài chính, thanh toán hàng ngày với giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, an toàn, tốc độ giao dịch nhanh chóng và nhiều tính năng cạnh tranh trên thị trường.

Với Vietcombank, năm 2020, ngân hàng cho ra mắt VCB Digibank để thay thế VCB Internet Banking lẫn VCB Mobile Banking trước đây, đồng nhất tài khoản đăng nhập trên app điện thoại với phiên bản website. Đồng thời, đồng nhất hạn mức giao dịch giữa app và website; nhận thông báo giao dịch mọi lúc dù không cần sử dụng SMS Banking, tiết kiệm được một khoản chi phí; tối ưu hóa các tinh năng chuyển tiền và thanh toán; tích hợp thêm nhiều tính năng, sản phẩm mới như vay vốn, bảo hiểm, đầu tư…; hoạt động cả ngày nghỉ lễ hay ra nước ngoài.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã và đang triển khai các dịch vụ chuyển đổi số như OCB với ngân hàng số OCB OMNI, SeABank với SeAMobile, BIDV iBank…

Chính vì vậy, trong hội thảo ngân hàng số được tổ chức mới đây vào cuối tháng 3, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đây là xu hướng tất yếu vì công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Hàng ngày hàng giờ, các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hay các ngành dịch vụ khác trên thế giới buộc phải chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cụ thể, họ đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng.

Ngân hàng truyền thống “chuyển mình”

Để cạnh tranh, tồn tại và thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội, đáp ứng với xu hướng và xu thế mới trên toàn cầu, các ngân hàng truyền thống tại Việt Nam đã không ngừng chuyển đổi số và tìm được cơ hội phát triển ngay trong giai đoạn khó khăn.

Chú thích ảnh

Agribank đã có sự chuyển đổi số tích cực để cạnh tranh. Ảnh: A.B

Theo báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế KPMG, mô hình ngân hàng truyền thống cũng như phương thức vận hành trong 10 năm tới sẽ chứng kiến rất nhiều sự thay đổi. Cụ thể, các mô hình hoạt động lấy sản phẩm làm trung tâm trong quá khứ sẽ chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên việc lấy khách hàng làm nền tảng phát triển. Các ngân hàng sẽ khai thác các cơ hội mới có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí… tạo ra một hệ sinh thái mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy mọi sự phát triển.

Điển hình như ngân hàng Agribank, trước đây được đánh giá là một ngân hàng “bảo thủ” vì có họ có phân khúc riêng không ai có thể cạnh tranh – đó là khách hàng nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay Agribank đã có sự “chuyển mình”. Cụ thể, với nhóm dịch vụ Mobile Banking và Internet, mở rộng kết nối thanh toán hóa đơn với các nhà cung cấp dịch vụ mới, kết nối ví điện tử, mở rộng kênh phân phối đối với các dịch vụ đã triển khai trên kênh giao dịch tại quầy…; hoàn thành triển khai các dịch vụ nhờ thu cho các đối tác; xây dựng dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 qua Napas trên hệ thống Agribank E-Mobile Banking và Internet Banking; triển khai phương án hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank chuyển đổi số điện thoại di động 11 số sang 10 số…

Theo các ngân hàng, với quá trình số hóa đang được đẩy nhanh tốc độ như hiện tại, chỉ 7-10 năm nữa sẽ không còn khoảng cách hay sự khác biệt giữa các ngân hàng truyền thống và ngân hàng số. Vì vậy, để tồn tại và cạnh tranh, bản thân các ngân hàng phải tiên quyết là luôn đổi mới sáng tạo nhằm mang tới những trải nghiệm đột phá cho khách hàng. 

Dự đoán, mảng Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ được ứng dụng rộng rãi nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng số nói riêng nghiên cứu kỹ hơn về hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng; từ đó có thể cá nhân hóa tối đa trải nghiệm của người tiêu dùng giúp đưa ra dịch vụ tài chính phù hợp nhất với nhu cầu tức thời của họ.

Theo Báo Tin Tức

 

Liên kết hữu ích