Tổng thu hơn 30 tỷ USD mỗi năm mà nền kinh tế xanh góp cho GDP cả nước không phải con số nhỏ, trong đó hầu hết nguồn thu đến từ thị trường quốc tế. Chính vì lẽ đó, thời điểm này, hầu hết các đơn vị lữ hành và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đều đang chờ đợi ngày Việt Nam mở cửa trở lại với “bầu trời quốc tế.”
Du lịch Việt đã sẵn sàng cho ngày "mở cửa lại bầu trời." (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, để kế hoạch tái mở cửa biên giới an toàn cần có sự chuẩn bị chu đáo và toàn diện, từ chủ trương và kế hoạch thực thi của Chính phủ, các cấp, ban, ngành đến các doanh nghiệp du lịch, đơn vị kinh doanh lữ hành…
Giải pháp “mở cửa bầu trời”
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho biết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Mở cửa trở lại du lịch quốc tế. TAB bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về vấn đề không hy sinh và không gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng để đổi lấy lợi ích kinh tế đồng thời đưa ra những đề xuất và giải pháp nhằm mở cửa lại du lịch một cách an toàn, đặc biệt là du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, TAB đề xuất về việc chú trọng xem xét và lên kế hoạch làm thế nào để tái mở cửa biên giới an toàn, bền vững.
“Hội đồng Tư vấn du lịch cũng nhấn mạnh phải có chính sách rõ ràng, chỉ mở cửa khi yên tâm cả hai bên, một là nơi khách du lịch xuất phát và hai là nơi tiếp nhận khách du lịch. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, học những điều thành công và rút ra bài học từ những thất bại,” ông Chính nói.
Du lịch Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Trong đề xuất các giải pháp, với chủ trương xuyên suốt là lấy sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm và cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh phức tạp, Hội đồng Tư vấn đề xuất thành lập một nhóm tổ chức hoặc chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau: Y tế; Công an; Quốc phòng; Ngoại giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề tái mở cửa biên giới, theo quy trình đảm bảo an toàn cho Việt Nam và du khách quốc tế.
Đại diện TAB cho hay: “Trước tiên, nhóm chuyên gia sẽ đề ra các tiêu chí an toàn dịch bệnh, lập danh sách các quốc gia an toàn đáp ứng đủ các tiêu chí (có thể đàm phán song phương) và không mở cửa đại trà cho tất cả các nước để kiểm soát chặt chẽ việc phòng, chống dịch.”
Theo đề xuất này, tất cả khách quốc tế đến Việt Nam phải tuân thủ quy trình: Hộ chiếu vaccine hoặc chứng chỉ tiêm vaccine, xét nghiệm PCR trước khi đi và khi đã đến tại sân bay.
"Hộ chiếu tiêm vaccine hay chứng chỉ tiêm vaccine ko phải là biện pháp duy nhất, an toàn 100% mà chỉ là một trong những giải pháp trong quy trình, vì vẫn chưa đảm bảo được tính minh bạch của việc tiêm vaccine nên phải kết hợp nhiều biện pháp bên cạnh đó," phía TAB cho biết.
Thực tế, việc đi du lịch nhưng lại bị cách ly dài ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý du khách, nên các chuyên gia cho rằng cần có biện pháp phù hợp rút ngắn thời gian cách ly nhưng tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm COVID-19 cho cả khách du lịch đến Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương nếu xuất hiện vấn đề rủi ro…
Du lịch vùng cao được giới trẻ ưa thích trong thời điểm dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn hiện nay, ngành du lịch cần có quy trình đón và hỗ trợ khách an toàn; khuyến cáo người lao động trong các dịch vụ du lịch được vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.
Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng Chính phủ cần xem xét vaccine thương mại đối với các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên, vừa góp phần đỡ gánh nặng cho Chính phủ mà doanh nghiệp vừa yên tâm hơn; lên kế hoạch các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch ở nơi trọng điểm; chính sách visa cần cởi mở hơn...
“Việt Nam là điểm đến an toàn”
Là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, nơi mà bất cứ khách quốc tế nào đến Việt Nam cũng không quên bỏ qua, ngành du lịch Hà Nội đã và đang triển khai những hoạt động khá rầm rộ nhằm “hâm nóng” lại thị trường nội địa và chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi Việt Nam “mở cửa bầu trời.”
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết: “Mặc dù năm 2021, mục tiêu chính của chúng tôi vẫn là tập trung vào thị trường nội địa nhưng luôn chuẩn bị sẵn sàng điều kiện nhằm đón du khách quốc tế ngay khi có thể. Hiện chúng tôi đang ưu tiên công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố để khi dịch bệnh được kiểm soát, du khách quốc tế có thể vào Việt Nam thì chúng tôi đã sẵn sàng tất cả.”
Du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa cũng là xu hướng của các nhóm khách nội địa trong năm qua. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Về công tác truyền thông quảng bá, theo bà Hương Giang, năm 2020, Sở Du lịch Hà Nội đã kết hợp với kênh quốc tế CNN nhằm quảng bá hình ảnh Thủ đô nhưng phải tạm dừng do đại dịch. Tuy nhiên, chương trình này sẽ tiếp tục trong năm 2021.
“Bằng việc ký kết hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông vừa qua, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng phối hợp tuyên truyền, quảng bá trên đa dạng nền tảng số ra quốc tế chứ không chỉ giới hạn trong nước. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp thời điểm này Việt Nam là điểm đến an toàn, Hà Nội là điểm đến an toàn với nhiều dịch vụ có chất lượng tốt đã được hoàn chỉnh với bạn bè quốc tế,” bà Giang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Giang cũng thừa nhận, thời gian qua việc không có du khách khiến hệ thống lưu trú trên địa bàn Thủ đô hầu hết phải đóng cửa, nên chất lượng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Vì thế, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực khuyến khích các khách sạn đầu tư cải tạo cơ sở vật chất với chi phí thấp, củng cố nguồn nhân lực để sẵn sàng đón khách trở lại sau một năm nhiều khó khăn.
Riêng nhân lực là “câu chuyện đau đầu” của ngành. Bởi việc kêu gọi lao động đã công tác lâu năm trong ngành du lịch phải tạm chuyển nghề khác mưu sinh cả năm qua giờ quay lại không hề đơn giản, mặc dù họ rất yêu nghề. Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch tập huấn, đào tạo lại đối với lao động ở các doanh nghiệp.
Các khi nghỉ dưỡng cao cấp giảm giá sâu trong năm qua là cơ hội lý tưởng cho du khách nội địa trải nghiệm dịch vụ 5 sao giá bình dân. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thống kê cho thấy nguồn thu từ 80% khách nội địa không bằng 20% khách quốc tế. Do đó, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội khẳng định các lễ hội sẽ tổ chức trong năm 2021 của địa phương đều mang tầm quốc tế với thông điệp kêu gọi khách quốc tế đến du lịch Việt Nam./.
Theo thống kế của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, ngành du lịch chứng kiến khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khi lượng khách quốc tế giảm 74% (tương đương 1 tỷ lượt khách du lịch) do tâm lý lo sợ dịch bệnh và lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mức sụt giảm này đã đưa du lịch quốc tế trên thế giới trở về thời điểm năm 1990.
Cho đến nay, theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Du lịch thế giới, tính đến ngày 01/02/2021 vẫn có 32% trên tổng số 217 điểm đến đóng cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế; số lượng các quốc gia chỉ đóng cửa một phần chiếm 34% và chỉ có 2% đã dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã thiết lập “một trật tự thế giới mới” về du lịch, các nước gần như bình đẳng trước ảnh hưởng của COVID-19, khiến lượng khách quốc tế vào (inbound) cũng gần như nhau.
Theo MAI MAI (Vietnam+)