Ngành xuất bản năm 2021: Vượt khó để phát triển theo hướng tinh túy

20/02/2021 - 08:04

Như những ngành công nghiệp văn hóa khác, ngành xuất bản năm qua đã chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19. Một trong những hướng đi của ngành năm nay là phát triển thị trường online.

Độc giả nhiều lứa tuổi vẫn luôn mong ngóng được tham qua những hội chợ sách để được cầm trên tay những cuốn sách hay và đẹp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều sự kiện lớn về sách, xuất bản phải hủy, hoãn, hoặc đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành.

Biến khó khăn thành động lực để thay đổi

Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, cho biết những khó khăn đặc thù đang phải đối mặt bao gồm: Sách ngoại văn không bán được do không có du khách quốc tế, các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà xuất bản bị đình trệ, các chuyên gia-biên tập viên người nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc trực tiếp được.

Mặt khác, việc Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đối phó với đại dịch, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng đã tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nguồn cung cấp bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in, xuất bản phẩm gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, khẳng định trong năm 2020 ngành xuất bản chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Năm qua, ngành vẫn cố gắng duy trì hoạt động, xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách (bằng 92% so với 2019), đạt mức doanh thu 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với 2019). Năm 2020, có 9 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử (chiếm 15% tổng số nhà xuất bản), xuất bản được hơn 2.000 đầu sách (chiếm 6% số đầu sách).

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, phát biểu trong một sự kiện năm 2020. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

"Năm 2019, ngành xuất bản ghi nhận 2.400 đầu sách điện tử được phát hành. Năm 2020, cùng sự suy giảm chung của toàn ngành, sách điện tử giảm còn 2.000 đầu sách," ông Nguyên nói.

Đứng trước những khó khăn do tình hình dịch bệnh gây ra, ông Nguyên lấy ví dụ về Britannica, một trong những nhà xuất bản với lịch sử phát triển gần 300 năm gắn với bộ Bách khoa toàn thư tiếng Anh lâu đời nhất thế giới nhưng đến năm 2012 đã phải ngừng phát hành bản in để chuyển qua các sản phẩm số.

“Con đường chuyển đổi theo nhịp phát triển công nghệ của Britannica không phải là thuận lợi khi họ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp ICT khổng lồ. Tuy nhiên, bằng việc kiên trì thực hiện chuyển đổi số để hình thành giá trị mới trên cơ sở lấy chất lượng nội dung làm nền tảng, không ngừng mở rộng các dịch vụ giáo dục phong phú là giúp Britannica thành công. Britannica đã trở thành bài học kinh nghiệm sống còn trong lĩnh vực xuất bản khi danh tiếng và quá khứ vàng son không phải là tài sản để dành và sẽ tan biến nếu không tự đổi thay,” ông Nguyên cho biết.

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, ông Nguyên cho rằng đại dịch cũng trở thành động lực làm cho mỗi tổ chức, cá nhân buộc phải đổi mới hoạt động của tổ chức, thay đổi hành vi cá nhân. Ông khẳng định rằng chuyển đổi số lúc này là lời giải cho những chuyển động đó; nó trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có xuất bản.

Hướng đi cho năm 2021

Đầu năm 2021 cũng là thời điểm cuối năm Canh Tý, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều đơn vị đã tổ chức hội chợ sách Tết, có thể kể đến Hội sách “Dọn kho đón Tết” của công ty Nhã Nam, Hội sách AZ Books, Hội sách 24/7 của Alpha Books và Omega Plus. Có thể nói rằng, sự thiếu vắng của những hoạt động về văn hóa đọc trong cả năm 2020 đã khiến cho những hội chợ sách hiếm hoi này thu hút rất nhiều độc giả.

Hội chợ sách đầu năm 2021 chật cứng khách tham quan và mua sắm. Năm 2020 đã qua đi với sự thiếu vắng của nhiều hội sách thường niên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, việc phát triển hội sách online và các kênh bán sách online mới là hướng phát triển bền vững và là xu thế tất yếu trên toàn cầu, theo ông Trần Chí Đạt, giám đốc nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Ông cho hay doanh số năm 2020 của nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã giảm khoảng 40% so với năm 2019. Đứng trước khó khăn đó, ông cùng các cộng sự của mình đã tìm kiếm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất bản, phát hành. Một trong những giải pháp là phát triển thị trường sách trực tuyến.

“Có thể khẳng định chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng để bứt phá vượt lên, thay đổi thứ hạng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” ông Đạt cho biết.

Ở một khía cạnh khác, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên cho rằng sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Ông Nguyên khẳng định ảnh hưởng trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp, về lâu dài sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động sẽ làm doanh nghiệp phát hành, nhà sách có nguy cơ dừng hoạt động.

Chính vì vậy, một số mục tiêu cụ thể đang được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác định là đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản điện tử lên 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử.

Để đạt được những mục tiêu đó, ông Nguyên khẳng định rằng hướng đi của ngành trong năm 2021 là nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; tăng cường năng lực xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản; phát triển phần mềm hỗ trợ công tác biên tập, xuất bản, sàn thương mại điện tử; kết nối giữa doanh nghiệp ICT và các đơn vị xuất bản đề đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Hiện nay, các đơn vị sẵn sàng đầu tư ấn hành những cuốn sách có chất lượng cao về nội dung và hình thức bao gồm Nhã Nam, Đông A, nhà xuất bản Thế giới, nhà xuất bản Kim Đồng...

Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm, giám đốc nhà xuất bản Thế giới, cho biết: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa, có một bộ phận độc giả sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để sưu tầm những cuốn sách đẹp, in với số lượng giới hạn. Dù đây chỉ là bộ phận nhỏ, không thể đại diện cho nhu cầu của những người yêu sách nói chung, nhưng có một thực tế là thẩm mỹ của độc giả ngày càng cao, họ có nhu cầu thưởng thức những cuốn sách không chỉ hay mà còn phải đẹp nữa.”

Tiến sỹ Trần Đoàn Lâm (trái) và tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Việt Nam học, trong một sự kiện ra mắt sách gần đây. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Hữu Linh, quản trị diễn đàn Bản Tin Sách và Hội Yêu Sách trên mạng xã hội Facebook, cho biết năm 2020 các doanh nghiệp liên tục đưa ra những cuốn sách hay, đẹp khiến độc giả hài lòng và đón nhận.

“Tôi chưa bao giờ thấy các doanh nghiệp bán sách bìa cứng nhiều như bây giờ. Nhã Nam, Đông A, Omega Plus đã in ấn và thiết kế theo một chuẩn mực khá giống với những cuốn sách phương Tây mà tôi có,” anh Linh cho hay.

Là một người sưu tầm sách, anh cũng nhận thấy ngày càng nhiều đầu sách được in số lượng giới hạn với bìa cứng, bìa da, có đánh số, đóng triện son để phục vụ thú chơi sách, bên cạnh bản bìa mềm giá bình dân. Những tác phẩm kinh điển như “Bố già,” “Kiêu hãnh và định kiến” được đóng bìa da sang trọng có giá lên tới cả chục triệu đồng.

Cuối tháng 1 vừa qua, công ty Đông A đã đấu giá cuốn sách bìa da độc bản “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Marie Alexis Dieulefils (1862-1937) với "giá gõ búa" là 130 triệu đồng.

Dự đoán về xu hướng xuất bản năm nay, các chuyên gia cho rằng bạn đọc sẽ quan tâm tới các đầu sách về sức khỏe, kỹ năng sống, bên cạnh các dòng sách mang tính “chữa lành” (sách tâm lý).

Đứng ở góc độ quản lý ngành, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nói thêm rằng tình trạng vi phạm bản quyền cần phải được giải quyết, bởi đây chính là rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp muốn phát triển xuất bản điện tử.

"Bên cạnh việc hỗ trợ đơn vị chuyển đổi số, chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt trong vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng," ông Nguyên nói.

Theo MINH THU (Vietnam+)